Bộ trưởng xây dựng: Quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ

Diệu Trang

18/03/2023 23:02

Theo dõi trên

Phát biểu tại phiên họp chiều 17/3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định quyền sở hữu chung cư chỉ chấm dứt khi nhà chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.

Chiều 17/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Vấn đề bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn nhận được nhiều quan tâm.

Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung liên quan tới dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, nhạy cảm, được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm rất lớn. Nhận thức rõ điều này, Ban soạn thảo đã luôn thận trọng, cầu thị lắng nghe trong quá trình xây dựng các quy định của dự án Luật.

Về nội dung liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư mà nhiều đại biểu và dư luận quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quyền sở hữu nhà chung cư chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ.

bo-truong-bo-xay-dung-nguyen-thanh-nghi-pld-1679155120.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, chung cư là công trình đặc thù, có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng của cư dân. Từ thực tế như vậy, trên cơ sở kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế, Bộ Xây dựng mới đưa ra đề xuất quy định như trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, qua ý kiến của Ủy ban thẩm tra và qua các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân, đồng thời cũng đảm bảo được mục tiêu cải tạo chung cư cũ, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời gian tới.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định của Luật.

Vướng mắc có phải do thời hạn sở hữu chung cư?
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị đánh giá kỹ tác động về chính sách này. Trong đó, dự thảo luật quy định việc sở hữu nhà được thực hiện thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê, mua, nhận, tặng, cho, thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở khi hết thời hiệu do chiếm hữu theo theo quyết định cơ quan có thẩm quyền hoặc có hình thức khác. Khi mua một căn hộ trong tòa nhà chung cư, hộ cá nhân, hộ gia đình có sở hữu riêng phần bên trong căn hộ theo pháp luật dân sự. Đây là quyền sở hữu tư nhân, quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, chủ thể được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ.

Như vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết như Khoản 3, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 Nhà nước mới có quyền trưng mua, trưng dụng, bồi thường theo giá thị trường. Khi đó sẽ áp dụng quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà như trong dự thảo luật chưa đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, đồng thời gây mâu thuẫn ngay trong quy định tại dự thảo luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được Nhân dân, cử tri đặc biệt quan và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến quan tâm đến quy định quyền sở hữu chung cư như phương án Chính phủ trình về có thời hạn, mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, vì sức khỏe tính mạng người dân chứ không vì mục đích nào khác, nhưng cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải xác định rõ, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ có phải ở quy định sở hữu này hay không? Bắt cho đúng bệnh thì chúng ta có đối sách phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội chỉ ra theo các quy định tại Hiến pháp, bộ luật Dân sự thì ngay cả khi chung cư bị tiêu hủy, quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn bị tồn tại chứ không phải bị chấm dứt như dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết các ý kiến không tán thành đề xuất cũng cho rằng không thể đồng nhất giữa 2 phạm trù quyền sở hữu và thời hạn sử dụng chung cư.

Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư hay nôm na là “tuổi thọ” nhà chung cư là khái niệm về kỹ thuật xây dựng, khác với phạm trù quyền sở hữu, một khái niệm về pháp lý. Nếu quy định như điều 25 dự thảo Luật vô hình chung gây ra sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chia ra nhiều trường hợp điều kiện khác nhau với chung cư bắt buộc phải phá dỡ, cải tạo.   

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng xây dựng: Quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ" tại chuyên mục Địa ốc. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com