Tổ hợp chung cư hạng A nhưng lại thiếu tiện ích đồng bộ

Hải Phong

13/12/2022 15:05

Theo dõi trên

The Matrix One được biết đến là một tổ hợp tiện ích đa tầng hạng A của Tập đoàn MIK Group nằm ở phía Tây Hà Nội. Hiện tại, hầu hết những căn hộ của dự án đã có chủ nhân dọn vào, số căn trống còn lại rất ít. Thế nhưng, những công trình hạ tầng xã hội được quảng cáo trong dự án vẫn chưa được xây dựng, gây nhiều thắc mắc cho cư dân tại đây.

Dự án The Matrix One qua nhiều lần đổi chủ trong 12 năm

Theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 của UBND TP Hà Nội, The Matrix One thực chất là dự án “Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A” của Công ty CP Đầu tư Mai Linh được xây dựng tại phường Mễ Trì và phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.460 tỷ đồng với quy mô diện tích sử dụng 206.337m2 bao gồm 03 chức năng chính (công viên giải trí, khu trường liên cấp và công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và thương mại). Trong đó, khu công viên chiếm 144.140m2, khu trường học diện tích 15.756m2 và khu công trình hỗn hợp sử dụng 28.582m2.

a4-1670211244.jpg

The Matrix One nằm ngay tâm điểm ngã tư Lê Quang Đạo – Mễ Trì.

Được biết, trước đó, theo quy hoạch được đề ra năm 2010, dự án Golden Palace A từng được thiết kế và có tên là dự án "Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí" do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư. Dự án Tháp Dầu khí lúc đó được lập quy hoạch trên khu đất 25ha, cao 528m với 102 tầng, có trị giá khoảng 1,2 tỉ USD. Tháng 3/2011, dự án được điều chỉnh độ cao còn 79 tầng, đồng thời kinh phí đầu tư giảm còn 600 triệu USD. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội được giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định để triển khai. Đến năm 2017, Công ty CP Đầu tư Mai Linh được chỉ định làm chủ đầu tư mới của dự án Tháp Dầu khí. Dự án được đổi tên thành “Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A”.

Công ty CP Đầu tư Mai Linh được thành lập 2016 bởi vợ chồng doanh nhân Trần Đăng Khoa (Khoa “khàn”) – Nguyễn Thị Minh Hồng. Năm 2018, một sự kiện mang tính bước ngoặt đã xảy đến với Mai Linh khi Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của công ty thay đổi. Được biết, lúc này doanh nhân Khoa “khàn” đã bán toàn bộ cổ phần tại Mai Linh trị giá 600 tỷ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ LTVN và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ ANC Sài Gòn, với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 99,8%; 0,1%; 0,1%. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc mới của Mai Linh là ông Vũ Tiến Đức, đồng thời là người trực tiếp phụ trách phát triển tổ hợp Golden Palace A.

a5-1670211243.jpg

Ông Vũ Tiến Đức – một pháp nhân quan trọng trong hệ sinh thái MIK Group.

Vào thời điểm chuyển giao đó, ông Vũ Tiến Đức được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của MIK Group. Đến hiện tại, ông Đức đang là pháp nhân đứng tên nhiều công ty trong hệ sinh thái MIK Group như: Công ty TNHH Phát triển BĐS MIK Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư BĐS MIK Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng BĐS MIK Hà Nội… Trên thị trường BĐS, dự án Golden Palace A cũng được khách hàng biết đến dưới cái tên The Matrix One của Tập đoàn MIK Group. Nhưng trên thực tế, MIK Group chỉ là đơn vị phát triển dự án, còn trong mọi giấy tờ pháp lý, dự án đều mang tên “Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A” do Công ty CP Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư. Điều này đã khiến cho nhiều khách hàng mua căn hộ tại The Matrix One nhầm lẫn thông tin và hoang mang khi ký Hợp đồng mua bán.

Nhiều cư dân tới ở nhưng một số công trình xã hội có trong quy hoạch vẫn chưa được xây dựng

The Matrix One được quảng cáo là dự án chung cư cao cấp thuộc phân khúc hạng A với hệ thống tiện ích đa dạng, xây dựng đồng bộ như: chỉ vài bước chân là tới công viên xanh mát, trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế, trường liên cấp IS ngay trong khuôn viên dự án… Do vậy, vào thời điểm dự án mới chỉ đủ điều kiện mở bán, còn chưa hoàn thành thì đã có không ít khách hàng đặt mua căn hộ tại đây. Thế nhưng, dù đã dọn vào ở một thời gian khá lâu nhưng cư dân ở đây vẫn chưa được hưởng một số tiện ích như đã giới thiệu trước khi ký hợp đồng.

a1-1670211244.png

Dự án được quảng cáo là chỉ với “một bước chân” qua đường hầm thông minh nối từ dự án sang công viên.

Trong Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất được Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội phê duyệt, dự án The Matrix One có thiết kế một hầm đi bộ sang công viên cây xanh phía đối diện cho cư dân. Tuy nhiên, đến hiện tại, dự án vẫn chưa có động thái thi công công trình này. Trao đổi với nhân viên môi giới tên V., phóng viên được biết đã có rất nhiều khách hàng thắc mắc về công trình hầm đi bộ này trước khi quyết định mua căn hộ. Đại diện sàn môi giới cũng có trao đổi trực tiếp việc này với chủ đầu tư nhưng chỉ được thông báo là quy hoạch của dự án không có gì thay đổi. Do vậy, V. chưa biết được khi nào thì hầm đi bộ này được xây dựng.

a6-1670211244.jpg

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của The Matrix One có thiết kế hầm đi bộ sang công viên xanh hơn 14ha phía đối diện.

Ngoài ra, trong quy hoạch, The Matrix One có diện tích xây dựng trường học khoảng 15.756m2 để đảm bảo hạ tầng xã hội cho cư dân sinh sống. Trong đó, diện tích xây dựng trường THPT là 8.000m2, trường THCS là 4.500m2, trường mầm non là 3.256 m2. Dịch vụ tiện ích này được quảng cáo như một điểm nhấn của dự án, cư dân của The Matrix One sẽ không cần phải lo lắng việc đưa đón con mỗi ngày cũng như về môi trường cho con phát triển vì tất cả đã được đáp ứng đầy đủ ngay dưới chân tòa nhà.

a3-1670211244.png

Trường học liên cấp quốc tế IS là một điểm nhấn trong thông tin quảng bá dự án.

Thế nhưng, tại khu đất dành để xây dựng trường học theo quy hoạch của dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống cỏ mọc xanh xanh. Cũng không biết khi nào thì cư dân ở đây có thể cho con đi học mà không cần lo lắng như lời giới thiệu.

a8-1670211244.jpg

Hình ảnh thực tế khu đất 15.756m2 được quy hoạch để xây dựng trường học.

Về việc xây dựng công trình hạ tầng xã hội đồng bộ với công trình nhà ở cũng đã được quy chuẩn trong một số văn bản pháp luật. Cụ thể:

Điều 4, Luật Xây dựng 2014 quy định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng: “Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.”

Điều 35, Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội: “Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân đến ở.”

Mặc dù việc chuyển giao, khai thác các công trình hạ tầng xã hội trong các dự án đều được quy định tại văn bản cho phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy vậy, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc xây dựng các công trình xã hội ít thu được lợi nhuận nên các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt.

Việc chậm bàn giao các công trình hạ tầng xã hội đã gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiến nghị của người mua căn hộ lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước. Một số dự án khu đô thị, khu nhà ở thường được xây dựng kéo dài, chủ đầu tư ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở trước để kinh doanh, trong khi đó hệ thống hạ tầng xã hội thường được đầu tư xây dựng sau hoặc chuyển giao cho các đơn vị cấp 2.

Bạn đang đọc bài viết "Tổ hợp chung cư hạng A nhưng lại thiếu tiện ích đồng bộ" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com