Khi Aaron Wang gia nhập công ty truyền thông xã hội Trung Quốc ByteDance vào năm 25 tuổi, cô nghĩ rằng mình đã tìm thấy công việc trong mơ. Cô phụ trách các dự án thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên nền tảng Douyin - phiên bản dành riêng cho thị trường nội địa của Tiktok. Mọi thứ diễn ra êm đẹp trong hai năm. Đột ngột vào cuối năm 2021, ByteDance giải tán hạng mục công việc của cô, yêu cầu nhóm nhân viên mà cô phụ trách lựa chọn giữa việc bị điều chuyển và bị sa thải. Wang quyết định nghỉ việc vì không muốn làm xa nhà.
Trong hơn một thập kỷ qua, Wang cũng như nhiều lao động trẻ có học vấn cao của Trung Quốc đã đặt mục tiêu gia nhập một trong những gã khổng lồ Internet của đất nước - Alibaba, Tencent, Baidu, JD.com, ByteDance. Việc làm nhân viên ở các công ty công nghệ đi kèm với tất cả các đặc quyền như lương cao, tiền thưởng hậu hĩnh, uy tín xã hội và quyền mua cổ phiếu ưu đãi.
Thời hoàng kim đã qua
Chỉ mới vài năm trước, các công ty Internet Trung Quốc và những nhà đầu tư của họ đang bơm tiền vào các dự án thử nghiệm chưa sinh lời. Họ mong muốn xây dựng hệ sinh thái bao trọn mọi thứ từ thương mại điện tử, truyền thông xã hội, y tế, giáo dục, phim ảnh. Tham vọng này đi kèm với việc tuyển dụng rầm rộ. Alibaba có khoảng 13.000 nhân viên vào năm 2011; đến tháng 3/2022, họ có hơn 250.000 người. Nhân sự của Tencent đã tăng từ khoảng 12.000 trong năm 2011 lên hơn 112.000 trong thập kỷ qua. ByteDance, chỉ mới thành lập vào năm 2012, hiện có hơn 100.000 nhân viên.
Mức độ phát triển bùng nổ này đã kéo theo sự chú ý của chính phủ Trung Quốc. Kể từ cuối năm 2020, các nhà quản lý đã tiến hành các cuộc điều tra hành vi độc quyền, xâm phạm quyền riêng tư dữ liệu và phát tán các nội dung nhạy cảm. Lệnh cấm dạy thêm sau giờ học đã ảnh hưởng trầm trọng đến các công ty edtech, trong khi các chính sách hạn chế đối với trò chơi điện tử đã ảnh hưởng đến lĩnh vực game.
Hàng loạt các cuộc điều tra đã khiến các công ty công nghệ đánh mất hàng tỷ USD giá trị vốn hóa, buộc Ant Group và ByteDance phải gác lại kế hoạch IPO mà họ đã ấp ủ trong thời gian dài.
Bức tranh kinh tế cũng đang trở nên xám xịt do các lệnh cấm vì tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, chính phủ đã tiến hành phong tỏa các thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến, đôi khi buộc các cửa hàng và nhà máy phải đóng cửa hàng tháng trời. “Mọi thứ xảy đến cùng lúc”, Kido Huang, quản lý cấp cao thuộc công ty tuyển dụng Randstad Trung Quốc, chia sẻ. “COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu, v.v. đã đẩy ngành công nghiệp Internet vào tình thế khó khăn.” Theo các giám đốc điều hành và nhà tuyển dụng, kiểm soát chi phí là câu thần chú mới của ngành công nghệ.
Mặc dù việc sa thải nhân viên không còn là vấn đề hiếm gặp, nhưng hầu hết các công ty không sẵn lòng tiết lộ chi tiết kế hoạch cắt giảm nhân sự. Thay vào đó họ sẽ dùng những từ ngữ hoa mỹ như “tốt nghiệp”, “điều chỉnh cơ cấu”, “tối ưu hóa”.
Không chỉ các ông lớn, mà cả những công ty nhỏ cũng đang tiến hành cắt giảm, họ dự đoán rằng doanh số bán hàng lẫn các khoản đầu tư sẽ giảm. Đối với những người ở lại, chứng kiến đồng nghiệp rời đi dần là một trải nghiệm đau lòng. Tại một số công ty, các nhân viên làm việc kém hiệu quả hơn bình thường, họ cho rằng dự án họ đang tiến hành có thể bị hủy bất cứ lúc nào. “Thỉnh thoảng, một số đồng nghiệp đột nhiên biến mất”, một lập trình viên 24 tuổi tại Alibaba kể.
Văn hoá 996
Thực chất làn sóng sa thải chỉ là giọt nước tràn ly. Rất nhiều nhân viên thuộc các công ty công nghệ Trung Quốc đã giữ trong lòng sự bất mãn suốt nhiều năm.
Vào năm 2019, nhiều người đã tham gia cuộc biểu tình trực tuyến phản đối văn hóa “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục sáu ngày trong một tuần. Nhiều nhân viên thậm chí đã đột quỵ vì lao lực. Một số cựu nhân viên công ty công nghệ chia sẻ rằng họ bị các quản lý bóc lột sức lao động. Thậm chí một số phụ nữ trẻ phải cam kết rằng họ sẽ tránh mang thai. Đối với nhiều người, sau tất cả những gì họ phải chịu đựng, mất việc là đòn giáng cuối cùng khiến họ quyết định rời hẳn khỏi lĩnh vực công nghệ.
Bất chấp cơn khủng hoảng, các nhà phân tích cho rằng làn sóng sa thải nhân viên không hẳn báo hiệu sự suy thoái dài hạn của ngành công nghệ. Hong Hao, một nhà kinh tế học tại Hong Kong, cho rằng những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc vẫn có tiềm năng phát triển lớn, và làn sóng sa thải hiện tại phản ánh thực tế là các công ty đang rút lui khỏi hoạt động kinh doanh không có lãi trong bối cảnh nền kinh tế sa sút. Theo ông, về lâu dài, lĩnh vực công nghệ sẽ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm.
Lĩnh vực công nghệ vẫn là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của nhiều lao động Trung Quốc. Nhiều người lập luận rằng suy thoái kinh tế không chỉ tác động đến ngành này, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến cả những ngành khác, ít nhất thì khoản trợ cấp thôi việc của các công ty công nghệ vẫn cao hơn, họ cũng có nhiều khoản tiết kiệm cá nhân hơn sau một thời gian làm việc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực tư nhân đang bất ổn, nhiều lao động trẻ đang cân nhắc gia nhập vào các tổ chức chính phủ. Nhiều cử nhân vừa tốt nghiệp đang từ bỏ giấc mơ làm giàu để trở thành viên chức nhà nước với mức lương thấp hơn nhưng ổn định. Năm 2021, Trung Quốc ghi nhận số người đăng ký thi công chức kỷ lục - 2,12 triệu thí sinh, cạnh tranh 31.200 vị trí.
Sau quãng thời gian thực tập tại bộ phận giải trí của công ty truyền thông xã hội Weibo, Philom Yang thừa nhận rằng mình rất thích môi trường làm việc trẻ trung tại đây, nhưng cô không thể chịu nổi sự căng thẳng khi phải liên tục làm việc thêm giờ. Năm nay, cô quyết định gia nhập vào một đơn vị nhà nước ở quê nhà tại tỉnh Hà Bắc, nơi cô nhận mức lương thấp hơn 50% so với những công ty công nghệ thông thường. “Nền kinh tế đang sa sút. [Trở thành một công chức] là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm hiện tại”.
Theo Rest of World