Các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành hiến kế gì khi đối thoại với Thủ tướng?

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra ngày 21/9, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ

Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Về công nghiệp hỗ trợ, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn đi sớm vào lĩnh vực cơ khí.

“Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.

img9569-1726893433645240799402-1727074650.jpg

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải - Ảnh: VGP

Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam. Do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất, với khu vực như Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức vừa rừng vừa chăn nuôi, thậm chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để làm được tuần hoàn. Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam.

Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, cho rằng cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế - xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù.

“Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện”, ông Trường nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, ông Trường cũng đề xuất có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới...

dang-minh-truong-1727074650.jpg

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group. Ảnh: VGP

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu "Make in Việt Nam" trên quốc tế.

Để hiện thực hoá tầm nhìn này, cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới, có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực, đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có thể sớm ban hành những chính sách mới nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

"Chúng tôi cũng mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…", ông Kiểm cho biết.

Về lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KN Group mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thì được ưu tiên triển khai trong dự án điện 8 và xem xét tăng thêm công xuất trong điều chỉnh quy hoạch điện lưới quốc gia.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Group, mong muốn Thủ tướng tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu.

Trong đó, tạo môi trường cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động toàn xã hội; tạo điều kiện, cơ chế để Vietjet Air chủ động đầu tư, xây dựng đội máy bay.