Cần hiểu đúng về cấm kinh doanh đối với bếp từ, bếp hồng ngoại và một số loại bóng đèn từ 15/7

Thuý Hà

30/05/2023 11:38

Theo dõi trên

Quy định mới sẽ không cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh đối với các thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp, tốn điện như bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hòa, tủ lạnh và một số loại bóng đèn… từ ngày 15/7 tới đây.

Nhiều loại thiết bị gia dụng bị cấm kinh doanh

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định 14/2023/QĐ-TTg ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Theo đó, các thiết bị này không được phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trong nước. Quyết định sẽ áp dụng đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh hàng hóa.

danh-muc-thiet-bi-su-dung-nang-luong-co-hieu-suat-thap-phai-loai-bo-trong-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-pld-1685421337.png
Danh mục thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Cụ thể, danh mục thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ bao gồm nhóm thiết bị gia dụng gồm các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang compact, quạt điện, máy giặt gia dụng, nồi cơm điện, tủ lạnh và tủ đông, bình đun nước nóng có dự trữ, máy điều hòa, máy thu hình (theo quy định tiêu chuẩn Việt Nam từ năm 2015 trở về trước) sẽ bị cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh kể từ ngày 15/7.

Ngoài ra, nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm màn hình máy tính, máy photocopy, máy in và tủ giữ lạnh thương mại (theo quy định tiêu chuẩn Việt Nam từ năm 2014 trở về trước) cũng sẽ bị cấm từ kinh doanh từ ngày 15/7 tới đây. Riêng các sản phẩm máy tính xách tay và máy tính để bàn theo tiêu chuẩn Việt Nam năm 2021 sẽ bị loại bỏ từ ngày 1/4/2025.

Trong khi đó, các thiết bị gia dụng như đèn LED, bếp hồng ngoại, bếp từ, tủ mát, tủ lạnh và tủ đông, bình đun nước nóng có dự trữ, máy điều hòa không khí không ống gió, máy thu hình (theo quy định tiêu chuẩn Việt Nam từ năm 2016 trở về sau) cũng sẽ bị loại bỏ từ ngày 1/4/2025.

Quyết định này không áp dụng đối với những phương tiện, thiết bị tạm nhập, tái xuất, phục vụ sửa chữa thay thế, kiểm tra mức hiệu suất năng lượng.

Thiết bị sử dụng điện  hiệu suất thấp được hiểu như thế nào?

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, quy định trên của Chính phủ là hợp lý để loại bỏ các thiết bị được sản xuất theo công nghệ cũ, tốn nhiều điện. Tuy nhiên, không phải cấm không được mua bán, sử dụng các thiết bị gia dụng được nêu trên mà chỉ cấm các sản phẩm có hiệu suất thấp, tốn điện.

Do đó, các sản phẩm có tem tiết kiệm điện, được công nhận vẫn được bán và sử dụng bình thường.

cac-thiet-bi-gia-dung-co-tem-tiet-kiem-dien-duoc-cong-nhan-van-duoc-ban-va-su-dung-binh-thuong-pld-1685421337.jpeg
Các thiết bị gia dụng có tem tiết kiệm điện, được công nhận vẫn được bán và sử dụng bình thường

Trên thực tế, hầu hết các thiết bị tiêu thụ điện chính hãng đang được bán tại các cửa hàng điện máy, bán lẻ đều "vượt" tiêu chuẩn về hiệu suất tiêu thụ năng lượng theo quy định. Mặt khác, quy định này chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nên người dùng sẽ không bị ảnh hưởng nếu mua thiết bị gia dugnj tại các cửa hàng bán lẻ chính hãng, có tem nhãn rõ ràng.

Trên thị trường hiện nay, hầu hết các thiết bị gia dụng đều được dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương quy định và chứng nhận. Nhãn năng lượng giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị từ đó có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng, hiệu suất năng lượng cao, tốn ít điện năng.

Hiểu đơn giản, nhãn năng lượng là nhãn dán trên thiết bị, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó. Tại Việt Nam, có hai loại nhãn năng lượng là nhãn xác nhận (hình ngôi sao) và nhãn so sánh (hình chữ nhật).

nhan-nang-luong-la-nhan-dan-tren-thiet-bi-cung-cap-cho-nguoi-tieu-dung-thong-tin-muc-tieu-thu-nang-luong-cua-thiet-bi-do-pld-1685421337.jpg
Nhãn năng lượng là nhãn dán trên thiết bị, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó

Trong đó, nhãn xác nhận (hình ngôi sao) là nhãn dán xác nhận việc sản phẩm có hiệu suất sử dụng, tiêu thụ điện đạt hoặc vượt chuẩn hiệu suất năng lượng do Bộ Công Thương đề ra tại thời điểm sản phẩm được kiểm nghiệm.Mức tiêu thụ và sử dụng điện được chứng minh qua các kết quả thử nghiệm, đo lường đánh giá của Bộ Công Thương.

Với nhãn so sánh (hình chữ nhật), đây là nhãn được dán cho các sản phẩm lưu thông trên thị trường, thể hiện xếp hạng đánh giá mức hiệu suất năng lượng (từ 1 sao đến 5 sao) và các thông số chi tiết liên quan tới xuất xứ, tiêu chuẩn đánh giá, hiệu suất tiêu thụ điện năng của sản phẩm.

Trên nhãn năng lượng so sánh sẽ gồm các thông tin như: hãng sản xuất, xuất xứ, tên/mã sản phẩm, dung tích, mức tiêu thụ điện, số chứng nhận, cấp hiệu suất năng lượng (xếp hạng tứ 1 tới 5 sao).

Thông thường, nhãn 5 sao được coi có cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất trong bảng xếp hạng tiết kiệm điện do Bộ Công Thương công bố. Theo đó, các sản phẩm thiết bị điện được gắn nhãn 5 sao cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm khác.

Bạn đang đọc bài viết "Cần hiểu đúng về cấm kinh doanh đối với bếp từ, bếp hồng ngoại và một số loại bóng đèn từ 15/7" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com