Chấn chỉnh tình trạng “loạn hoa hậu”

09/08/2023 14:57

Theo dõi trên

Trong những ngày vừa qua, dư luận bạn đọc lên án, thậm chí xuất hiện làn sóng “tẩy chay” hoa hậu Ý Nhi vì thiếu nhận thức chính trị-xã hội, các phát ngôn "vạ miệng" cũng như cách trả lời ngô nghê.

Trước câu hỏi: “Hãy kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định”, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 trả lời: “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”. Chính câu trả lời của Ý Nhi đã làm bùng nổ sự chỉ trích từ cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng việc Ý Nhi trả lời như vậy là hiểu biết nông cạn, thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng đối với các nhân vật lịch sử. Việc cô cho rằng nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Bình Định cũng khiến nhiều người ngán ngẩm, bởi điều này hoàn toàn... không chính xác.

huynh-tran-y-nhi-dang-quang-hoa-hau-the-gioi-viet-nam-2023-pld-1691567676.jpeg
Huỳnh Trần Ý Nhi đăng quang Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023. Ảnh: TTXVN

Thực tế qua các cuộc thi hoa hậu diễn ra trong những năm gần đây, nhiều trường hợp thí sinh không đủ sắc đẹp cũng như trình độ nhận thức, phẩm chất theo tiêu chí do ban tổ chức các cuộc thi đặt ra nhưng vẫn đi tới vòng chung kết và đạt ngôi vị chỉ vì có sức hút trên mạng xã hội, có khả năng tăng độ nóng cho cuộc thi. Cũng không ít người đặt dấu hỏi nghi vấn phải chăng các cuộc thi nhan sắc được tổ chức tràn lan như vậy cốt chỉ để “làm màu”, quảng bá cho đơn vị tổ chức và các nhà tài trợ; hoặc ngôi vị cũng có sự sắp đặt! 

Theo thống kê, trong năm 2022 có gần 30 cuộc thi hoa hậu. Như vậy, tính ra trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ có hơn 60 hoa hậu, á hậu và nhiều danh hiệu người đẹp khác nữa. Việc ngày càng tổ chức tràn lan các cuộc thi, loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp như hiện nay với những câu trả lời thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết về lịch sử cùng những lùm xùm về đời tư, các mối quan hệ xã hội của những cô gái tham gia không chỉ khiến các giá trị văn hóa, thẩm mỹ bị sai lệch mà còn cổ xúy cho thế hệ trẻ lối sống thực dụng, chuộng hư danh...

Việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu tràn lan như thời gian qua đã khiến nhiều người hoang mang vì không biết đâu là chuẩn mực nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đương đại. Một cuộc thi sắc đẹp chỉ thực sự có ý nghĩa khi chọn ra được người giành vương miện có đầy đủ tài-sắc, mang trọng trách như mục đích của cuộc thi hướng đến, đó là các giá trị chân-thiện-mỹ, đồng thời phải có ảnh hưởng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động tích cực thì phần lớn các cuộc thi sắc đẹp bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh chứ không hoàn toàn vì mục đích tôn vinh nét đẹp công-dung-ngôn-hạnh - một chuẩn mực đạo đức xã hội, thước đo đánh giá người phụ nữ. Thế nên mới có dư luận cho rằng, việc tổ chức thi người đẹp là để phục vụ “đại gia”, mua bán giải hay nhiều thông tin tiêu cực khác khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.

Thiết nghĩ, Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23-9-2022 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ban hành về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, trong đó có việc quản lý chặt chẽ lại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và nghiêm khắc xử lý các cuộc thi sai phạm là cần thiết, nhằm triệt tiêu những cuộc thi vô bổ, tổ chức để mua bán giải, lấy danh xưng trục lợi. Chỉ thị này được xem là việc làm cần thiết giữa bối cảnh một năm có đến hàng chục cuộc thi sắc đẹp, thậm chí “loạn hoa hậu”, danh xưng hoa hậu tràn lan như hiện nay...

Bạn đang đọc bài viết "Chấn chỉnh tình trạng “loạn hoa hậu”" tại chuyên mục Giải trí - Thể thao. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com