“Chạy nước rút” cho mục tiêu áp dụng hoá đơn điện tử

Để đạt được mục tiêu đến ngày 1/7/2022, 100% người nộp thuế áp dụng hoá đơn điện tử, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trên toàn quốc và của toàn xã hội.

Hóa đơn điện tử tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) được xem là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, các cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Đây cũng là một đột phá lớn của ngành Thuế, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động cho doanh nghiệp và xã hội…

0-hddt-1654491651.jpeg
Sự phát triển mạnh mẽ của HĐĐT đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội đánh giá, sự phát triển mạnh mẽ của HĐĐT đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Bởi thực tế triển khai ở các doanh nghiệp cho thấy, việc sử dụng HĐĐT sẽ giảm chi phí và là cơ hội để doanh nghiệp đồng bộ hóa với các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Không chỉ có vậy, với các đơn vị có số lượng hóa đơn xuất ra hàng tuần, hàng tháng lớn, ngoài việc cắt giảm được lượng lớn thời gian, chi phí, việc sử dụng HĐĐT còn giúp công tác đối chiếu hóa đơn diễn ra nhanh chóng và tránh được nhiều sai sót.

“Việc áp dụng HĐĐT mang lại nhiều tiện ích do vậy các doanh nghiệp làm ăn chân chính không phải e ngại bởi chi phí triển khai hiện nay khá hợp lý, quy trình triển khai đơn giản. Mặt khác, các nhà cung cấp ứng dụng HĐĐT rất chú trọng đến vấn đề bảo mật dữ liệu, sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Ngoài ra, ứng dụng HĐĐT cũng được thẩm định chặt chẽ bởi Tổng cục Thuế về các tiêu chuẩn an toàn bảo mật nên doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn:

Triển khai giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021.

Triển khai giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, để triển khai hoá đơn điện tử thành công, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã từng bước chuẩn bị hoàn tất về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế.

Tính đến ngày 24/5/2022 công tác triển khai hóa đơn điện tử đã đạt được những kết quả như: Giai đoạn 1, 100% doanh nghiệp đang hoạt động tại 6 tỉnh, thành phố đã chuyển sang sử dụng HĐĐT. Giai đoạn 2 có 83,6% tổng số doanh nghiệp tại 57 tỉnh, thành phố sử dụng.

Với số lượng người nộp thuế là cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai ở cả 2 giai đoạn đều đạt được kết quả 100%. Đến nay, trên cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.

Để đạt được kết quả trên và kỳ vọng hoàn thành giai đoạn 2 theo kế hoạch, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, sở, ban, ngành trên toàn quốc và của toàn xã hội.

Từng bước giải quyết khó khăn, tồn tại

HĐĐT là một loại hình hóa đơn mới và khi được triển khai thì nhiều người nộp thuế còn chưa nắm rõ được nội dung, lợi ích trong việc áp dụng. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV hay các hộ kinh doanh thường quen sử dụng giao dịch mua bán bằng hóa đơn giấy. Chỉ cần bút và quyển hóa đơn là họ có thể bán hàng cho người mua, người mua vận chuyển hàng cầm theo tờ hóa đơn mua hàng khi các cơ quan chức năng cần kiểm tra đưa ra là xong. Khi hóa đơn viết sai thì đổi lại bằng tờ hóa đơn khác,…. Do vậy khi phải thay đổi hình thức giao dịch này bằng hình thức giao dịch khác là một rào cản cả về tâm lý lẫn hành động.

1-hddt-1654491651.jpg
Cần có chính sách hỗ trợ giúp đỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn trong việc áp dụng HĐĐT

Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, hiểu biết về công nghệ thông tin không cao, chất lượng nguồn nhân lực kém, không đủ kiến thức để vận hành cái mới sẽ e ngại và không muốn thay đổi.

Đáng chú ý, chi phí cho đầu tư ban đầu cũng là một khó khăn như phải có máy tính, các trang thiết bị nối mạng, dịch vụ đường truyền cùng nhiều chi phí khác. Điều này cũng không đơn giản với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, nhất là ở những vùng sâu vùng xa. Chưa kể nhiều đơn vị còn không muốn minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh của mình…

Từ các vấn đề trên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, ngành Thuế phải xác định công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng được triển khai ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Nhờ đó, góp phần giúp người nộp thuế nắm bắt và phối hợp cùng cơ quan thuế trong triển khai HĐĐT.

“Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2022/NĐ-CP thì đối tượng người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử rất đa dạng với nhiều loại hình kinh tế và cách thức quản lý khác nhau, các địa bàn có tình hình kinh tế xã hội khác nhau. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai theo từng đợt đối với từng đối tượng người nộp thuế, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của họ. Mặt khác cũng bố trí, phân bổ nguồn lực trong triển khai, tập huấn và hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa,…”, Bộ Tài chính thông tin.

Khuyến nghị thêm về giải pháp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ giúp đỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt về kinh phí đào tạo thậm trí trang thiết bị ban đầu để họ có điều kiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. “Ngoài ra, có thể xây dựng chính sách riêng cho khu vực DNNVV và các hộ kinh doanh, vì đây là khu vực chiếm tỉ lệ hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước”.