Chỉ số giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu

Chỉ số giá xây dựng tháng 8/2022 đã tăng 3,71% so với thời điểm đầu năm, tác động chính đến từ sự tăng giá của các vật liệu đầu vào như nhựa đường, xi măng... cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao.

Theo báo cáo kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào.

Ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (VLXD), chi số nhóm này trong tháng 8/2022 đã tăng 0,26% so với tháng trước. Cụ thể, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao.

image-20220829165953-1-1661825528.png
Chỉ số giá vật liệu xây dựng trong tháng 8 tăng theo giá nguyên vật liệu

Tương tự, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 0,49% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá VLXD đã tăng 1,4% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng trong giai đoạn này.

Về diễn biến giá tiêu dùng, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng đầu năm tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản trong tháng 8 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Thời gian qua, mặc dù giá thép đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng xi măng, gạch cát... vẫn đồng loạt tăng giá từ đầu năm đến nay khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo. Đáng lo hơn, “bão giá” VLXD đang ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thi công các công trình hạ tầng.

Cơn sốt giá VLXD khiến mà các nhà đầu tư đứng trước nhiều khó khăn, rủi ro; nhà thầu thiếu nguyên vật liệu hoặc buộc phải mua với giá cao hơn. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng bù đắp chênh lệch giá nên sẽ bỏ công trình.

Hiện nay, theo quy định, các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình trên địa bàn.

Trên thực tế, công bố giá của của địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại VLXD chủ yếu. Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, nhiều khi không cập nhật so với biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá.

Mới đây, Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương cần phải công bố giá, chỉ số giá các loại VLXD hằng tháng, sát với biến động của thị trường để bù đắp các biến động giá cho các nhà thầu xây dựng.