Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố thông tin về việc bán giải chấp chứng khoán đối với ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã chứng khoán PDR).
Khối lượng bán giải chấp là 750.000 cổ phiếu PDR với thời điểm dự kiến bán từ ngày 7/11.
Song song đó, công ty chứng khoán cũng thông báo bán bắt buộc 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11. Đây là tổ chức có liên quan đến chủ tịch công ty.
Theo cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Văn Đạt đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ đến 332,15 triệu cổ phiếu PDR, tương đương với gần 49,5% vốn công ty. Còn Phát Đạt Holdings là cổ đông lớn thứ hai với sở hữu hơn 73,6 triệu cổ phiếu PDR, tỷ lệ gần 11%.
Sự việc bị ép bán với lãnh đạo Phát Đạt sau khi cổ phiếu PDR liên tục lao dốc với chuỗi 13 phiên giảm liên tiếp kể từ nửa sau tháng 10 đến nay. Đỉnh điểm là phiên bán tháo gần nhất ngày 4/11 về giá sàn 37.500 đồng với tình trạng trắng bên mua, kết phiên vẫn còn hơn 3 triệu cổ phiếu tranh bán giá sàn.
Theo báo cáo quý 3, doanh thu thuần của PDR được ghi nhận ở mức chỉ 11 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái (1.267 tỷ đồng), doanh thu của PDR được đánh giá là sa sút nghiêm trọng, khi bốc hơi tới 99%.
Doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng đất của PDR rơi xuống còn 7,7 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thuần thấp nhất theo quý của Phát Đạt, kể từ quý 3/2018. Trong quý 3, lợi nhuận góp của Phát Đạt chỉ là 6,2 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ thì PDR đạt được 855 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng đến 1.250 tỷ đồng. Ở thời điểm quý 3/2021, doanh thu từ hoạt động tài chính của PDR chỉ có 460 triệu đồng. Nguyên nhân cho việc tăng mạnh doanh thu tài chính là lãi từ việc chuyển nhượng cổ phần của công ty con. Cụ thể, PDR đã thực hiện chuyển nhượng 26% vốn của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn KL cho Công ty TNHH BĐS Gemini. Qua đó, Công ty Gemini đã sở hữu 72% cổ phần của của Công ty Sài Gòn KL.
Về chi phí doanh nghiệp, PDR ghi nhận chi phí lãi vay tăng mạnh. Theo đó, loại chi phí này tăng lên 132 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn tăng, phát sinh hơn 15 tỷ đồng. PDR cũng phát sinh thêm hơn 100 tỷ đồng chi phí thanh lý tài sản. Kết quả, PDR vẫn công bố lợi nhuận sau thuế hơn 711 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PDR ghi nhận doanh thu thuần 1.490 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt là 1.400 tỷ đồng, tăng 26%. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu (10.700 tỷ đồng) và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của PDR là 25.800 tỷ đồng, tăng 25,5% so với hồi đầu năm. PDR cũng ghi nhận thêm 4 khoản phải thu ngắn hạn khác có giá trị hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó tại Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings (1.446 tỷ đồng), Công ty TNHH Bất động sản Lyra (415 tỷ đồng)...
Phát Đạt cũng ghi nhận hàng tồn kho tăng thêm 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, lên 13.377 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của PDR cuối tháng 9 ở mức 15.395 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ vay chiếm 5.265 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi sau 9 tháng, tập trung ở nợ ngắn hạn.
Dòng tiền kinh doanh của PDR trong quý III âm nặng, lên đến 1.758 tỷ đồng. Nguyên do là hoạt động cốt lõi “yếu đi”. Thêm vào đó là phát sinh tăng các khoản phải thu thêm 1.887 tỷ đồng...
Đối với dòng tiền hoạt động đầu tư, quý 3/2021 ghi nhận âm 426 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý 3/2022 là 812 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính đạt giá trị gần 400 tỷ đồng, là chênh lệch giữa tiền đi vay và tiền đã chi trả nợ gốc.
Tuy nhiên, với dòng tiền kinh doanh âm nặng, tổng dòng tiền trong kỳ là con số âm gần 550 tỷ đồng. Lượng tiền mặt của PDR cũng vì thế “bốc hơi” nhanh, chỉ còn 50 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 500 tỷ đồng.