Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng Vinatex sẽ dệt nên những kỳ tích mới

PV
Sáng 8/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Cùng dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh; lãnh đạo các bộ, ngành…
chu-tich-qh-tham-vinatex-3ok-1644806014.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thăm, chúc Tết tại Vinatex

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do tác động nặng nề, sâu rộng của đại dịch COVID-19. Thâm dụng lao động, dệt may là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực và nặng nề nhất. Gần như cả quý III, các doanh nghiệp thành viên của Vinatex ở 19 tỉnh thành phía Nam phải ngừng hoạt động, cộng với 40 ngày bị phong tỏa tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Có những thời điểm, 60.000 lao động của tập đoàn không thể làm việc, chiếm 40%  tổng số lao động của tập đoàn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ngành dệt may đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,5 tỷ đô la Mỹ, vượt qua cả mức cao nhất trước đại dịch là năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều đặc biệt quan trọng là dệt may Việt Nam vẫn duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu, không để đứt gãy chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; vẫn được người mua hàng đánh giá là điểm đến mua hàng tốt nhất trong năm 2021 trong số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt qua cả các cường quốc về dệt may trên thế giới. Đây là kỳ tích, làm ngạc nhiên nhiều người, kể cả những đối thủ cạnh tranh lớn trên thế giới.

Trong thành tích chung của ngành dệt may Việt Nam thì Vinatex vẫn phát huy được vai trò đầu tàu và hạt nhân trong điều kiện khó khăn, có kết quả tốt nhất trong vòng 25 năm qua. Tăng trưởng gấp 2,5 lần so với năm 2020 và lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt qua con số 1000 tỷ, đạt hẳn 1.446 tỷ đồng, có bước nhảy vọt, cao hơn tới 90% so với năm 2019 là năm tốt nhất của Vinatex trước đại dịch. 

Trong điều kiện vô vàn khó khăn, nhưng Vinatex vẫn duy trì được việc làm cho hơn 150 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng; thực hiện chuyển đổi số bước đầu rất tích cực; chăm lo tốt cho người lao động trong dịp Tết với mức thưởng Tết bình quân đạt 14,5 triệu đồng/người.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước sự hồi sinh của Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định. Đây không chỉ là vấn đề về kinh tế, mà còn là vấn đề về truyền thống, lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng thành tích rất cao, rất ấn tượng mà ngành dệt may đã đạt được trong năm 2021.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Vinatex cần rút những kinh nghiệm bài học quý, nắm bắt cơ hội, xu hướng trong thay đổi chuỗi cung ứng tầm quốc gia cũng như mối quan hệ chuỗi cung ứng dệt may trên toàn cầu; tiên phong trong đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới; nỗ lực xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam. Ngoài thị trường xuất khẩu, tập đoàn cần chú trọng hơn nữa thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.

Ngay từ đầu năm 2022, tập đoàn tập trung xây dựng và tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo nghị quyết của Quốc hội và chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục rà soát để phủ kín vaccine cho toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của tập đoàn, động viên gia đình tham gia tiêm đầy đủ vaccine theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.

det-may-4-1644806014.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh với cán bộ, nhân viên Vinatex

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Vinatex cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững. Thúc đẩy bảo vệ để công nhân và người lao động được thụ hưởng những thành quả xứng đáng với đóng góp của mình cho tập đoàn, cho đất nước.Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Vinatex cần tích cực, chủ động tận dụng mọi cơ hội từ các giải pháp tài chính, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 11 ngày 30-1-2022 của Chính phủ. Phải nhận thức được, ngành dệt may luôn có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế, có vị trí rất quan trọng trong phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. Sớm khôi phục sự thị trường lao động bằng nhiều giải pháp kinh tế, tài chính và các gói hỗ trợ. Tổ chức cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại lao động để hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao nhất các đơn hàng ngay từ đầu năm.

"Nếu chúng ta tiếp tục dệt nên những ước mơ, dệt nên những khát vọng và hoài bão, dệt nên niềm tin vào chính mình, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước thì chắc chắn sẽ có những thành công, kỳ tích mới, trong năm mới Nhâm Dần" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và tin tưởng rằng, với mãnh lực vươn lên của năm Nhâm Dần, Tập đoàn dệt may Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tăng cường năng lực cạnh tranh bằng tốc độ của niềm tin, bằng sức mạnh của niềm tin và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm mới 2022. 

 

pct-canh-vinatex-1644806014.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi thăm, chúc Tết tại Vinatex

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn liên quan đến tỷ giá, lãi suất, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, về tỷ giá, hiện nay dự trữ ngoại hối đã đạt hơn 100 tỷ USD trong năm 2021, nhờ đó nguồn cung ngoại tệ dồi dào đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong đó có Vinatex.Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị Vinatex sớm xây dựng chiến lược phát triển tổng thể theo hướng tăng cường chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm dệt may có giá trị gia tăng cao, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài để chủ động trong sản xuất.

Ngoài ra, tỷ giá tiếp tục giữ vững sự ổn định trong những năm qua (dao động bình quân từ 1,5-2%/năm) cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Riêng về lãi suất, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt việc tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Với các kiến nghị của tập đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan kịp thời và quyết liệt triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, giúp các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may nói riêng sớm khôi phục sản xuất; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như thiết chế về nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa.

Về kiến nghị điều chỉnh linh hoạt thời gian làm thêm giờ, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xem xét, quyết định theo thẩm quyền.