Theo Forbes, tính đến ngày 10/11, tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) giảm xuống dưới 1 tỷ USD, hiện chỉ còn 938 triệu USD.
Tài sản của ông Long giảm 87 triệu USD so với lần đánh giá trước đó, hiện đang tạm xếp thứ 2.456 trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới.
Chỉ trong gần 8 tháng kể từ ngày 11/3, tài sản của ông Trần Đình Long đã bốc hơi hơn 2,2 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 70%. Như vậy, ông Long không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Được biết, đây là lần thứ 2 tài sản của ông Trần Đình Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Cụ thể, Chủ tịch Hòa Phát từng có thời gian ngắn ghi nhận khối tài sản ròng vượt mức 1 tỷ USD vào năm 2018 trước khi bị loại khỏi danh sách này sau đó.
Như vậy, Việt Nam chỉ còn 6 tỷ phú USD, gồm ông Phạm Nhật Vượng (3,9 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (1,4 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD) và ông Bùi Thành Nhơn (1,1 tỷ USD).
Biến động tài sản của ông Long chủ yếu gắn liền với giá trị cổ phiếu HPG của Hòa Phát trên thị trường chứng khoán. Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn.
Nếu tính lượng cổ phiếu của vợ và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn của doanh nghiệp đầu ngành thép này.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 10/11, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang giảm khoảng 7%, về mức 12.100 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, thị giá cổ phiếu thép này đã bốc hơi hơn 71%. Việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc đã khiến vốn hóa Hòa Phát giảm hàng tỷ USD từ đầu năm.
Cụ thể, vốn hóa nhà sản xuất thép này vẫn đạt khoảng 204.200 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2022, thuộc top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Đến nay, sau những đợt giảm giá liên tục, vốn hóa Hòa Phát chỉ còn khoảng 76.500 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng gần 128.000 tỷ đồng. Hiện vốn hóa của Hòa Phát cũng đã rơi khỏi top 10 cổ phiếu lớn nhất sàn chứng khoán.