Lâu nay, vấn đề tai nạn lao động luôn là một nguy cơ tồn tại thường xuyên đối với người lao động trong quá trình tham gia các hoạt động thi công, xây dựng. Hậu quả của tai nạn lao động sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thu nhập của người lao động. Không chỉ vậy, tai nạn lao động còn gây ra những tác động tiêu cực tới uy tín doanh nghiệp và làm tăng gánh nặng cho xã hội.
Do đó, đảm bảo an toàn cho người lao động được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành rất nhiều quy định và bộ luật cụ thể về vấn đề này.
Năm 2015, Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời với 7 Chương 93 Điều chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Luật An toàn Vệ sinh Lao động quy định rõ quyền trách nhiệm của tất cả các bên liên quan như đối với người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý; các cơ chế tổ chức, quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát các yếu tố, nguy hiểm ngay từ các bước lập dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng nhà xưởng, nơi làm việc, hoạt động kinh doanh…
Ngày 30/03/2017, Bộ Xây Dựng đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, có hiệu lực từ ngày 15/5/2017. Thông tư số 04 có bổ sung một số quy định mới gồm: nâng cao vai trò, trách nhiệm của đơn vị Chủ đầu tư, Nhà thầu xây dựng đối với công tác an toàn lao động và hướng dẫn xử lý vi phạm về an toàn lao động trong xây dựng.
Theo đó, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.
Đặc biệt, tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của hai người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể lên đến từ bảy năm đến 12 năm nếu làm chết ba người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên.
Mặc dù đã có chế tài xử phạt nghiêm khắc, tuy nhiên trên thực tế nhiều chủ đầu tư, đơn vị xây dựng, người lao động vẫn thờ ơ trong việc bảo đảm an toàn lao động.
Vi phạm xuất hiện “triền miên” tại các công trình sử dụng vốn đầu tư công
Những tháng cuối năm, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đi cùng với đó, công tác quản lý an toàn lao động trên các công trường dự án dường như đang bị chủ đầu tư cũng như các nhà thầu bỏ quên, lơ là…
Qua khảo sát nhận thấy tình hình mất an toàn lao động đang diễn ra trên hầu hết các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân lao động trên công trường trong tình trạng không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Bên cạnh đó, nhiều công trường cũng không có các biển báo nguy hiểm hay lưới chắn an toàn…
Đơn cử, tại công trình xây dựng công trình Trường Mầm non Đông Quang (xã Đông Quang, huyện Ba Vì). Dự án do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư và được thực hiện bởi Liên danh Công ty CP phát triển quốc tế Thăng Long và Công ty CP đầu tư xây dựng Minh Phong.
Ghi nhận tại công trình, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các lao động làm việc ở độ cao 15 - 20m không có dây đai an toàn, mũ bảo hộ. Đáng chú ý, các công nhân thản nhiên đứng từ trên tầng cao ném vật liệu xây dựng xuống và bản thân họ cũng chẳng trang bị cho mình bất cứ đồ bảo hộ lao động nào.
Hay tại công trình xây dựng Trạm y tế xã Phú Cường. Đây công trình do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Thi công thực hiện bởi liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Ba Vì và Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Đức Anh.
Mặc dù xây dựng bên cạnh đường dân sinh, nhưng không hề có sự che chắn cẩn thận, dễ gây mất an toàn cho người đi đường. Công nhân xây dựng dùng mũ cối và đi dép lê, thay vì đội mũ và đi giày bảo hộ lao động…
Tình trạng tương tự diễn ra trên công trình Trường mầm non thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Dự án do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu gói xây dựng là Công ty TNHH Mạnh Quân (địa chỉ tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).
Tại khu vực lân cận trung tâm Thành phố Hà Nội, tình trạng mất an toàn lao động cũng xuất hiện tại một số công trình đầu tư công như: Trường THCS Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên), Trường Mầm non tại ô quy hoạch G.2/NT2 (phường Long Biên, quận Long Biên),…
Xử lý nghiêm vi phạm, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 3.908 vụ tai nạn lao động làm 4.001 người bị nạn. Trong đó, có 807 người bị thương nặng và 380 người tử vong.
Điển hình một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương xảy ra chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, điện.
Tháng 5/2022, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố kiểm tra 40 doanh nghiệp, công trình xây dựng thực hiện an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ.
Qua quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện nhiều lỗi vi phạm của các doanh nghiệp. Có những đơn vị không huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hoặc chỉ huấn luyện qua loa. Nhiều công trình không thực hiện đúng nguyên tắc trong quy chuẩn xây dựng như che chắn công trình không đúng quy định, hệ thống điện không đạt yêu cầu...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.166 công trình xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2022. Qua đó, lập hồ sơ xử lý 179 trường hợp, xử phạt vi phạm với số tiền gần 4 tỷ đồng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, đi cùng với đó, cần đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Trong xây dựng, vấn đề an toàn lao động luôn phải được đặt lên hàng đầu, công tác quản lý phải xuyên suốt có hệ thống, không thể chờ đợi sự tự giác ở cá nhân hay nhóm người nào. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, các địa phương đang gấp rút chạy đua để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào số lượng mà bỏ quên, lơ là công tác quản lý an toàn cho người lao động…
Phần lớn các công trình dường như thiếu vắng đi trách nhiệm cũng như sự quản lí của các chủ đầu tư. Từ đó, những tiềm ẩn rủi ro về an toàn lao động luôn hiện hữu trên các công trường xây dựng. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát sát sao hơn, đồng thời xử phạt nghiêm các vi phạm, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.