Cựu Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức bị bắt vì đánh bạc

Ông Ngô Ngọc Đức, cưu· Bí thư Thành ủy Hòa Bình, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi đánh bạc.

cuu-bi-thu-hoa-binh-ngo-ngoc-duc-bat-toi-danh-bac-78202-1558-1723023766.jpg

Ông Ngô Ngọc Đức - Ảnh: Báo Hòa Bình.

Ngày 7/8, dẫn thông tin từ Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, báo Công Lý cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Ngô Ngọc Đức - cựu Bí thư Thành ủy Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để làm rõ hành vi “Đánh bạc”.

Trước đó, ngày 12/4/2023, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã họp và thống nhất để ông Ngô Ngọc Đức thôi giữ các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ Hòa Bình và chức danh Bí thư Thành ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025; chức vụ Ủy viên Banh Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Ngô Ngọc Đức sinh năm 1974, quê quán xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Trình độ chuyên môn Đại học, chuyên ngành Xây dựng cầu đường; Cử nhân chính trị, chuyên ngành Tổ chức.

Ông Ngô Ngọc Đức từng giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình trước khi làm Bí thư Thành ủy Hòa Bình.

Trước đó, hôm 29/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có thông báo số 3384/TB-ANĐT-P4 về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Hồ Đại Dũng vì hành vi "đánh bạc trái phép" theo quy định tại khoản 2 điều 321 Bộ Luật Hình sự.

Ông Hồ Đại Dũng đánh bạc bị bắt khi ông không còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ. Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ nhận được đơn của ông Hồ Đại Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, xin chuyển công tác và xin thôi các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo nguyện vọng cá nhân, gia đình.

Ngày 10/7, tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thống nhất miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ đối với ông Hồ Đại Dũng.

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 697 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hồ Đại Dũng.

Quy định của pháp luật về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc

toi-danh-bac-bi-khoi-to-plpt78202-1559-1723023766.jpg

Ảnh minh họa.

Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Đánh bạc" như sau:

“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thông tin trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, pháp luật Việt Nam xác định “cờ bạc”, “mại dâm”, “ma tuý” là các tệ nạn xã hội. Tệ nạn này len lỏi trong khắp các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có những giáo viên ngày đứng trên bục giảng, tối về lại ngồi chiếu bạc...

Luật sư Cường cho biết, với số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên thì tất cả những người tham gia, những người tổ chức đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đánh bạc", "Tổ chức đánh bạc" và "Gá bạc" theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành.

Tội danh và hình phạt liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo luật sư Cường, những vụ việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc thường là bị bắt quả tang, có người làm chứng, thu được tiền, hiện vật trên chiếu bạc bởi vậy những người có mặt rất khó có thể chối cãi được hành vi của mình.

Ngoài bị xử lý hình sự, theo quy định của Điều lệ Đảng, Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, những cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia đánh bạc còn có thể sẽ bị cách chức, buộc thôi việc và kỷ luật với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.

Những người tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình cho 10 người khác đánh bạc trở lên trong cùng một lúc với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên được xác định là hành vi tổ chức đánh bạc và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 322 Bộ luật Hình sự. Với hành vi tổ chức đánh bạc và gá bạc, mức hình phạt nghiêm khắc hơn là hành vi đánh bạc. Người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt lên đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015.