Đã phê duyệt chủ trương đầu tư tháp tài chính 108 tầng tại Hà Nội

Anh Mai

12/01/2024 00:16

Theo dõi trên

Thông tin tại Hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết dự án tháp trung tâm tài chính nằm ở phía Bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn dự kiến khoảng 1 tỷ USD.

thap-tai-chinh-108-tang-pld-1705159050.jpeg

 

Đây là công trình nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết đến nay, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. Cụ thể, đã hoàn thành 3 Trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Tây Hồ.

Hà Nội cũng đã hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.

Hiện, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ hồ Ngọc Khánh; tiếp tục triển khai đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành 15/19 chỉ tiêu.

Tòa tháp trung tâm tài chính là điểm nhấn, trọng tâm của dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội.

Cả dự án có quy mô hơn 270 ha, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Dự án nằm ngay chân cầu Nhật Tân, phía bên phải theo hướng từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, thuộc địa phận ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ huyện Đông Anh.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần tư Phát triển đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City). Đây là liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Hai bên ký thỏa thuận cùng phát triển siêu dự án này giữa năm 2017. Tháng 7/2018, liên doanh BRG và Sumitomo được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Sumitomo - tập đoàn đa ngành hơn 100 năm tuổi của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đầu tư nhiều dự án như Khu công nghiệp Thăng Long I, II tại Hà Nội và Hưng Yên; tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2.

Tháng 10/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ động thổ. Đến cuối tháng 7/2023, Hà Nội đã điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 dự án với phạm vi điều chỉnh khoảng 140 ha, được chia thành 2 khu vực. Trong đó, khu B được nâng tầng cao công trình từ 25 lên 45 tầng, bố cục lại mặt bằng, hình dáng ô đất. Sau điều chỉnh, quy mô dân số khu B đạt gần 9.900 người, tăng 6.800 người so với trước đây.

Khu A của dự án được quy hoạch diện tích mặt nước 54 ha, tổ chức lại hệ thống cây xanh, đường dạo quanh hồ Phương Trạch, các khu nhà ở thấp tầng. Sau điều chỉnh, dân số khu vực này khoảng 11.200 người, tăng gần 10.500 người so với quy hoạch trước đây.

Theo đồ án quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Hà Nội, khu vực quanh dự án thành phố thông minh sẽ có thêm loạt tuyến đường rộng 40-50 m được mở, giúp tăng tính kết nối với trục Võ Nguyên Giáp và phía trung tâm huyện Đông Anh.

Bạn đang đọc bài viết "Đã phê duyệt chủ trương đầu tư tháp tài chính 108 tầng tại Hà Nội" tại chuyên mục Dự án. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com