Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đảm bảo chất lượng của các nhà chung cư, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ về thời hạn xây dựng nhà chung cư.
Nếu thấy chung cư bị cũ nát, hư hỏng, người dân có quyền đề xuất xây dựng nhà chung cư mới. Để thực hiện việc này thì trước khi xây dựng chung cư mới hay cải tạo, nâng cấp chung cư cũ thì cơ quan chức năng phải có sự kiểm định chất lượng nhà ở tại khu chung cư mà người dân đang sinh sống.
Trong khi đó, đại biểu Lê Trường Lưu - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phân vân khi chưa đề cập đến việc sở hữu nhà chung cư vĩnh viễn hay có thời hạn, bởi sở hữu là vĩnh viễn nhưng nhà chung cư có tuổi thọ công trình. Do đó trong thực tiễn dễ phát sinh mâu thuẫn khi cải tạo nhà chung cư liên quan đến định giá, phương án bồi thường cần có giải pháp.
Ông Lưu cũng đề nghị rà soát kĩ lưỡng dự thảo Luật và cho rằng đối với những nội dung liên quan đến đất đai cần tách riêng và ưu tiên để thể hiện trong Luật Đất đai để bảo đảm thống nhất.
Liên quan đến việc đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng ở các khu chung cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện nay có khu chung cư có đông người dân đến sinh sống rồi nhưng vẫn thiếu bãi đỗ xe, trường học, bệnh viện nên rất không đồng bộ và thuận tiện cho người dân sinh sống ở đó.
Vì vậy, khi xây dựng khu chung cư thì chủ đầu tư cần chú trọng đến việc đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Về cải tạo chung cư cũ, với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, việc làm này dứt khoát phải gắn với tái thiết đô thị. Việc cải tạo chung cư cũ, nên thực hiện từng cụm. Đối với xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, ông Dũng nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật Nhà ở nên có hướng mở như nên giao cho cấp tỉnh được điều chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại.