Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Trước đây, khoan giếng lấy nước sinh hoạt rất phổ biến, nhất là ở các vùng chưa có hoạt động cấp nước sạch. Tuy nhiên, hiện nay, việc khoan giếng là tác động đến nguồn nước ngầm đã được Luật Tài nguyên nước 2013 điều chỉnh.
Theo đó, Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật quy định cụ thể các trường hợp đào giếng, khai thác tài nguyên nước không phải xin phép, không phải đăng ký khai thác và các trường hợp bắt buộc phải làm những thủ tục trên. Cụ thể:
- Trường hợp không phải xin phép, không phải đăng ký là khai thác nước dưới đất phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm và không thuộc Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
- Nếu gia đình bạn đào giếng phục vụ sản xuất nông nghiệp với quy mô quá 10 m3/ngày đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất với cơ quan chức năng cấp huyện.
-Nếu quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên đến dưới 3000m3/ngày đêm thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất với cơ quan chức năng cấp tỉnh.
- Trên 3000m3/ngày đêm trở lên thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Mức phạt hành chính khi vi phạm
Theo Điều 9 Nghị định số 36/2020, mức phạt đối với vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép như sau
“- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 01 giếng khoan; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thăm do nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 02 giếng khoan.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 30 m3/ngày đêm.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp trên 0,1 m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 0,2 m3/giây đến dưới 0,3 m3/giây.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 0,3 m3/giây đến dưới 0,5 m3/giây…”
Lưu ý, mức phạt cao nhất có thể lên đến 110.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.