Đề xuất gần 1.900 tỉ xây đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60

Đường nối cầu Đại Ngãi với quốc lộ 60 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 14km, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng.
cau-dai-ngai-soc-trang-1732008888.jpg
 

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm hỗ trợ địa phương đầu tư đường từ cầu Đại Ngãi kết nối với Quốc lộ 60 hiện hữu, dài khoảng 14 km, quy mô 2 làn xe, đường cấp III đồng bằng (tương tự như Dự án cầu Đại Ngãi), kinh phí dự kiến khoảng 1.870 tỷ đồng từ nguồn kết dư của Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, dự án nhằm phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 và các dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu), dự án Xây dựng các tuyến đường bộ nhằm cải thiện kết nối liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh được đầu tư trong thời gian tới, tạo ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng bán đảo Cà Mau, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có quy hoạch Quốc lộ 60 (mới), đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng kéo dài từ Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi (vượt Sông Hậu) đến Quốc lộ 60 hiện hữu. Do đó, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường dẫn này là cần thiết và cấp bách.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nếu đoạn tuyến này được đầu tư thì tuyến Quốc lộ 60 (mới) được thông toàn tuyến trên địa phận tỉnh Sóc Trăng, thông qua tuyến Quốc lộ 60 cũ kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 61B, nâng cao hiệu quả vận tải của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông liên vùng thuận tiện giữa trung tâm thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và với TP.HCM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của các tỉnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo ra không gian phát triển mới.