Đề xuất mở thêm 22 tuyến phố đi bộ ở TP.HCM

Để các tuyến phố đi bộ hoạt động hiệu quả, đề án đề xuất thêm các phương án cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông, tăng kết nối giao thông công cộng; tổ chức sự kiện thu hút người dân, du khách.
pho-di-bo-1658286494.jpg
Hình minh họa.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã trình lên UBND TP đề án mở phố đi bộ trên một số tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố.

Theo đề xuất của Sở GTVT, đề án được chia ra thành 3 giai đoạn, lộ trình từ năm 2022 đến 2025:

Giai đoạn 1 (2022-2023), cấm các loại xe qua lại khi phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu.

Đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.

Giai đoạn 2 (2023-2024), TP.HCM mở rộng phạm vi phố đi bộ ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Đồng thời, TP ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại đối với các tuyến đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh.

Giai đoạn 3 (2024-2025), mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào cuối tuần đối với đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách, ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.

Phạm vi tổ chức các phố đi bộ này xoay quanh tuyến Metro số 1, dự kiến vận hành thương mại từ cuối năm 2023.

Đề án cũng xây dựng 5 tiêu chí để xem xét, quyết định triển khai khi có đề xuất mở phố đi bộ thời gian tới. Các tiêu chí này gồm an toàn, an ninh; hấp dẫn; mức độ tiếp cận, nhu cầu; tính kết nối; và khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông tạm thời vào các ngày cuối tuần; điều chỉnh tổ chức đỗ xe trên một số tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe phục vụ người đi bộ. Đồng thời, điều chỉnh lại lộ trình giao thông cho 34 tuyến xe bus bị ảnh hưởng trong thời gian tổ chức tuyến phố đi bộ.

Việc mở rộng các phố đi bộ sẽ giúp giảm lượng xe cá nhân vào nội đô, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm. Bên cạnh đó việc hạn chế phương tiện giao thông vào khu vực này cũng sẽ góp phần bảo tồn các công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử ở trung tâm thành phố.

Trước đó, từ tháng 10/2020, Sở Giao thông vận tải đề xuất 5 tuyến đường thành phố đi bộ, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách.

Hiện tại, TP.HCM có hai phố đi bộ cấp thành phố là Nguyễn Huệ (hoạt động năm 2015) và Bùi Viện (hoạt động năm 2017). Năm 2020, quận 10 đầu tư 2,5 tỷ đồng tổ chức phố đi bộ ẩm thực, mua sắm theo mô hình kinh tế đêm trước chợ Nguyễn Tri Phương.