Đề xuất mới về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4 năm 2021, trên phạm vi cả nước có 575 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219.500 ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.

Về khu kinh tế (KKT), có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha. Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến KKT cửa khẩu.

Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.

Bên canh đó, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.

Bổ sung một số quy định mới đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành

Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành cũng như thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian qua, cụ thể như sau:

Về quản lý, điều chỉnh quy hoạch: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT. Cụ thể, phương hướng xây dựng là một nội dung trong quy hoạch vùng, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển KCN, KKT ở cấp vùng. Phương án phát triển hệ thống KCN, KKT là một nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó xác định số lượng, tên, diện tích và địa điểm dự kiến của KCN, KKT theo địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về phân cấp thẩm quyền: Dự thảo Nghị định ủy quyền, phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo một trong hai phương án: 1. Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:

Diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75 ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.

Không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp sau: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1.000 ha; (ii) KCN trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới; (iii) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoạt động theo các mô hình KCN sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu; (iv) nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN để cho dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.