Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc

27/12/2022 10:42

Theo dõi trên

Đề xuất Chính phủ có nghị quyết tương tự Nghị quyết 68, có nội dung, đối tượng thụ hưởng khác hơn để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bên cạnh vấn đề tiếp cận gói hỗ trợ này, nhiều ý kiến cho rằng bối cảnh hiện nay tuy đại dịch được kiểm soát nhưng suy thoái kinh tế dẫn tới sự sụt giảm đơn hàng tại nhiều ngành nghề, lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc mất việc…đang đặt ra yêu cầu cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, thay thế Nghị quyết 68 vừa qua.

de-xuat-nghi-quyet-thay-the-nghi-quyet-so-68nq-cp-ho-tro-lao-dong-mat-viec-pld-1672112407.jpeg

 

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 482.000 lao động tại trên 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh thành bị giãn, giảm giờ làm vì doanh nghiệp khó khăn.

Dẫn số liệu công đoàn thống kê khoảng nửa triệu lao động tại hơn 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng việc làm bởi doanh nghiệp khó khăn, giảm đơn hàng, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói cần quan tâm đến nhóm lao động này.

“Thống kê số lao động bị chấm dứt hợp đồng không quá lớn so với số bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, nghỉ luân phiên. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành nên chăng tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách hay một nghị quyết giống như Nghị quyết 68 dù có thể nội dung, đối tượng thụ hưởng khác hơn để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng”, ông Phan Văn Anh nêu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong giai đoạn đầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP, có nội dung chính sách còn chưa sát thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung do yêu cầu xây dựng nhanh. Nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, dẫn tới việc đánh giá tác động chính sách, dự liệu đối tượng, nguồn lực triển khai một số chính sách chưa thực sự phù hợp.

Song theo ông Thanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt. “Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đánh giá, hiện cơ bản các doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi, nhưng cuối năm 2022 ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp, một số lao động phải tạm hoãn hợp đồng, mất việc.

“Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng mất việc làm”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

de-xuat-nghi-quyet-thay-the-nghi-quyet-so-68nq-cp-ho-tro-lao-dong-mat-viec-pld1-1672112406.jpeg

 

VCCI mong muốn Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương, giữ chân nhân sự, đồng thời kết nối nguồn này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ thế nào, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả, giảm thủ tục hành chính nhiều nhất. “Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh, đó là cái khó cần phải bàn để thời gian tới làm tốt hơn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh cho biết, cơ quan này cũng đang nghiên cứu để có gói hỗ trợ thêm cho đoàn viên, người lao động bị giảm việc, mất việc làm. Song trong bối cảnh khó khăn chung, đại diện tổ chức công đoàn kiến nghị các bộ, ngành cùng tính toán để xây dựng, trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ thêm, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 482.000 lao động tại trên 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh thành bị giãn, giảm giờ làm vì doanh nghiệp khó khăn. Trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu gói hỗ trợ cho nhóm lao động mất việc ở mức 3 triệu đồng/người/một lần duy nhất. Còn những lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng nhận một lần 2 triệu đồng/người.

Bà Vi Thị Hồng Minh, phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian đào tạo… để gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả. Với dự báo, quý 1 hoặc quý 2-2023, doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sụt giảm đơn hàng.

Đại diện VCCI mong muốn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương, giữ chân nhân sự, đồng thời kết nối nguồn này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.

“Giai đoạn doanh nghiệp phải cho lao động ngừng việc chính là thời điểm phù hợp để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất”, bà Vi Thị Hồng Minh nêu rõ.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com