Doanh nghiệp du lịch “đứng dậy” sau khi Đà Nẵng mở cửa trở lại

Sau khi Đà Nẵng “mở cửa” trở lại, các doanh nghiệp du lịch sẽ bắt đầu hoạt động nhưng phải đối diện với rất nhiều khó khăn phía trước, nhất là nguồn khách được dự báo không đáng kể.

 Khó khăn chồng chất

Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khu vực, kiêm Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho biết, hiện các công tác chuẩn bị đón khách trở lại vẫn được duy trì với đầy đủ nhân lực, phương tiện và sẵn sàng mở cửa khi Đà Nẵng cho phép.

Tuy nhiên, ông Duẩn băn khoăn là mở cửa thì nguồn khách thế nào, có khách hay không, khách nội địa, khách quốc tế sẽ ra sao. Nếu là khách nội địa, với những quy định khác nhau của các địa phương thì sẽ rất khó vì đi du lịch là để thay đổi không khí, nghỉ dưỡng chứ không ai muốn phiền phức bởi các quy định phải cách ly sau chuyến đi.

12 (4)

 Sau khi Đà Nẵng “mở cửa” trở lại, các doanh nghiệp du lịch sẽ bắt đầu hoạt động

"Khách không thể từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Đà Nẵng du lịch rồi sau đó trở về địa phương phải thực hiện cách ly. Vì vậy, điều quan trọng nhất là sự đồng bộ trong cả nước", ông Duẩn nói và cho biết thêm, nếu Chính phủ cho phép được đón khách nội địa là người tiêm 2 đủ mũi vaccine, những F0 đã khỏi bệnh… thì sẽ cơ hội đón khách đi du lịch sẽ cao hơn.

Ông Duẩn nêu thực tế, từ tháng 3/2020 đến nay, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hầu như "cửa đóng then cài" vì không có khách. Thực tế nguồn khách trong nước như hiện nay thì quá khó, nên chăng thành phố tính phương án triển khai việc đón công dân ở nước ngoài về có thực hiện cách ly y tế, từ đó các khách sạn hoạt động trở lại mới hy vọng có nguồn thu.

Còn ông Nguyễn Đức Quỳnh - Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho hay, hầu hết các Khách sạn nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đóng cửa từ 4 tháng nay và trước đó thì 2 năm mở, đóng thất thường, khiến cho việc thiệt hại vô cùng lớn, các doanh nghiệp đang kiệt quệ, khách sạn lưu trú hầu như dùng tiền vay ngân hàng để duy tu bảo dưỡng hàng ngày và trả lương nhân viên.

Theo ông Quỳnh, mỗi tháng, các doanh nghiệp lưu trú phải đối mặt với khoản tổng lỗ chung đến hàng trăm tỷ đồng. "Du lịch sẽ hồi phục sau cùng, người ta phải ăn no, có khoản tiết kiệm nhất định rồi mới đi du lịch nên các chuyên gia nói phải cuối 2024 mới trở lại được như năm 2019", Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng nói.

dn-xanh-3

 Thực tế ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong chống dịch, cũng nhiều lần làm các chương trình kích cầu du lịch nên mọi thứ cơ bản sẽ ổn

Vượt qua thách thức

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, để phục hồi du lịch, Sở sẽ xây dựng phương án riêng cho thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng nhìn nhận có nhiều thách thức đặt ra khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch, dịch vụ trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, đó là nguồn khách hiện nay và năm 2022 xác định sẽ không nhiều. Theo thống kê, đối với khách nội địa, hiện số công dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine mới chỉ có 7,3%, tương ứng với 7,1 triệu người, trong đó hầu hết là người lớn tuổi, tuyến đầu, người lao động, công nhân sản xuất. Hai nhóm đối tượng này chưa có nhu cầu đi du lịch.

Về thị trường khách quốc tế, các nước cũng chưa có chính sách mở cửa cho đi du lịch trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện nay cũng rất cân nhắc về thời điểm mở cửa trở lại, khi nào lượng khách đủ để bù vào chi phí thì mới có thể thực hiện. Điều kiện phòng, chống dịch, quy định thẻ xanh, quy định cách ly của các tỉnh, thành, quốc gia cũng chưa có sự thống nhất.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm, Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể dựa trên cân nhắc quá trình tiếp diễn của dịch bệnh và theo dõi các mô hình thí điểm đón khách quốc tế của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để giữ nhân lực ngành du lịch, Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động làm trong ngành, ưu tiên vay vốn, ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên khách sạn, nhà hàng, du lịch để họ có đủ điều kiện làm việc ngay khi ngành mở cửa trở lại. Ông Quảng khẳng định, Đà Nẵng đang tích cực xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc mở cửa lại các hoạt động du lịch, dịch vụ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch từng bước phục hồi.

3(1) (5)

 Đây có thể là cơ hội để kích cầu du lịch, vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Indochina Unique Tourist Co., Ltd tỏ ra lạc quan và tin tưởng đây là cơ hội để kích cầu du lịch, vượt qua khó khăn. "Mọi thứ chúng tôi đã sẵn sàng rồi, bây giờ chỉ chờ chính quyền điều chỉnh, công bố các tiêu chí đảm bảo an toàn khi hoạt động là sẽ bắt tay vào công việc nay", ông Thủy nói. Cũng theo ông Thủy, thực tế ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong chống dịch, cũng nhiều lần làm các chương trình kích cầu du lịch nên mọi thứ cơ bản sẽ ổn.