Nhiều thách thức chực chờ
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo phân tích về triển vọng kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán VGC) với nhận định, năm 2023 Viglacera phải đối mặt với nhiều thách thức do cả hai mảng kinh doanh cốt lõi là mảng bất động sản và vật liệu xây dựng (VLXD) đều gặp khó.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Viglacera sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 với động lực chính nhờ doanh thu bất động sản khu công nghiệp (KCN) tăng mạnh. Trong khi đó, mảng kinh doanh VLXD cũng được kỳ vọng hồi phục trở lại nhờ thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn và các hoạt động xây dựng dần được khởi động lại từ năm 2024.
BVSC dự báo doanh thu thuần của Viglacera trong năm 2023 sẽ đạt hơn 13.000 tỷ đồng, giảm 10,4% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh tới 40%, ở mức 1.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hai mảng là bất động sản và kính xây dựng.
Đối với mảng VLXD, thị trường bất động sản và xây dựng gặp nhiều khó khăn khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hoàn thiện nội thất như gạch ốp, gạch ngói, kính và sen vòi, sứ đều sụt giảm. Đặc biệt, giá kính cũng giảm mạnh khiến biên lợi nhuận mảng kính ước tính giảm từ 30% xuống khoảng 6%. Mặt khác, giá nguyên vật liệu sản xuất dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm nay cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Viglacera.
Đối với mảng bất động sản, dự án Đặng Xá 2 đã ghi nhận hầu hết doanh thu trong năm 2022 và không còn ghi nhận nhiều trong 2023 khiến kết quả kinh doanh mảng này của Viglacera suy giảm đáng kể.
Bước sang năm 2024, BVSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của Viglacera sẽ phục hồi mạnh mẽ với động lực chính là mảng bất động sản. Dự kiến lãi ròng của doanh nghiệp này trong năm 2024 có thể tăng tới 134% so với năm 2023, đạt 2.425 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu từ mảng bất động sản dự kiến tăng mạnh khi diện tích cho thuê tăng thêm tới 250 ha (tăng 35% so với năm nay), nhờ bắt đầu mở bán mới KCN Thuận Thành I (Bắc Ninh) và KCN Tiền Hải (Thái Bình). Được biết, giá bán dự kiến tại KCN Thuận Thành I khoảng 120 USD/m2/kỳ thuê.
Trong khi đó, với việc thị trường bất động sản và các hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi; giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt; giá bán các sản phẩm gạch ốp, gạch ngói, kính và sứ, sen vòi tăng trở lại sẽ giúp kết quả kinh doanh mảng VLXD của Viglacera phục hồi đáng kể.
Theo đó, BVSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận mảng này của Viglacera lần lượt đạt 8.906 tỷ đồng và 1.684 tỷ đồng trong năm 2024
Lợi thế quỹ đất KCN lớn, vị trí thuận lợi, giá chào thuê cao
Theo BVSC, Viglacera là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất KCN lớn nhất tại miền Bắc với vị trí thuận lợi và giá chào thuê cao.
Hiện tại, doanh nghiệp này đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.210 ha. Phần diện tích KCN thương phẩm còn lại của doanh nghiệp này ước tính khoảng 1.139 ha.
Đáng chú ý, các KCN của Viglacera tại Bắc Ninh như Yên Phong IIC, Yên Phong MR, Thuận Thành đều còn diện tích lớn, giá chào thuê cao, cũng như nằm gần tam giác trọng điểm kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Các KCN tại Bắc Ninh nói chung cũng như của Viglacera tại tỉnh này nói riêng đều ưu tiên phát triển các ngành chế biến chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao.
Hiện Viglacera đang trong giai đoạn đàm phán 2 hợp đồng lớn thuê KCN, đó là Tập đoàn BYD dự kiến thuê khoảng 40ha tại Phú Hà để đầu tư sản xuất linh kiện điện tử và Geleximco ký MOU xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Tiền Hải với quy mô 50 ha.
BVSC dự báo doanh thu trong năm 2023 của Viglacera từ mảng KCN với tổng diện tích ghi nhận dự kiến 185 ha, trong đó 6 tháng đầu năm đã ghi nhận được 65 ha.
Về kế hoạch đầu tư phát triển thời gian tới, Viglacera xác định các trụ cột đó là mảng bất động sản và VLXD, trong đó sản xuất kính mang tính chiến lược dài hơi.
Năm 2023, Viglacera sẽ triển khai đầu tư hàng loạt KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai các dự án mới như KCN Phù Ninh - Phú Thọ (450 ha/giai đoạn 1 là 150 ha); KCN Phú Hà giai đoạn 2 (100 ha); Khu A KCN Phong Điền - Thừa thiên Huế (120 ha); KCN Đông Triều - Quảng Ninh (425 ha); KCN Hòa Lạc Hữu Lũng - Lạng Sơn (490 ha).
Bên cạnh đó còn có tổ hợp KCN - Dịch vụ - Đô thị Tây Phổ Yên - Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha KCN và 200 ha đô thị, dịch vụ); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại tỉnh Yên Bái (380 ha, trong đó KCN Trấn Yên 254 ha, Khu Đô thị và dịch vụ 126 ha); tổ hợp KCN - Đô thị dịch vụ tại tỉnh Hưng Yên (xấp xỉ 200 ha); tổ hợp KCN - Đô thị - Dịch vụ tại Khánh Hòa (khoảng 900 ha) và các KCN tại phía Nam.
Một trong những mục tiêu đáng chú ý trong năm nay của Viglacera là việc thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2022 - 2030 đã được Bộ Xây dựng giao.