#kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp xây dựng trước nguy cơ phá sản

Nhiều tổng công ty, tập đoàn xây dựng đang đứng trước khối nợ từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng. Phá sản là điều có thể xảy ra nếu các công ty này không thu hồi được nợ.
chu-tich-vacc-doanh-nghiep-xay-dung-truoc-nguy-co-pha-san-1660381110-1660382729.jpg
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, phá sản là điều có thể xảy ra nếu các công ty không thu hồi được nợ.

Nguy cơ phá sản

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đã nêu ra thực trạng trên tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra mới đây.

Ông Hiệp cho biết, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do hậu quả của Covid-19 và công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong đầu tư nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng.

Theo ông Hiệp, điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn.

Cụ thể, về vấn đề nợ đọng xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (khoảng 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng có quy mô vốn từ 500-1.000 tỉ đồng. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp.

“Các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng. Vì nguồn vốn eo hẹp nên họ phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm”, ông Hiệp phát biểu.

Chủ tịch VACC cho rằng, chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Các khoản nợ đọng được hiệp hội này phân thành 2 loại. Một là nợ công trình vốn đầu tư công. Các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Giải pháp nào cứu doanh nghiệp?

Từ những thực trạng nêu trên, Chủ tịch VACC đề xuất, đối với vốn đầu tư công, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.

Trước mắt, cần có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.

Về vấn đề đơn giá – định mức, hiện các công trình xây dựng của chúng ta, đặc biệt các công trình vốn đầu tư công, đều sử dụng hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành làm căn cứ cho cả khâu lập tổng mức đầu tư và thanh toán cho các dự án ở tất cả các loại hình công việc.

Tuy nhiên, do trình độ công nghệ của chúng ta phát triển rất nhanh nên một số công việc chúng ta không có định mức, một số công việc định mức đã trở nên lạc hậu không cập nhật kịp thời với giá thực tế nên dẫn tới những khó khăn cho các nhà thầu, đặc biệt với khu vực đầu tư công.

Ông Hiệp cho biết hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng không muốn đảm nhận các dự án đầu tư công.

Đại diện VACC đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình.

Trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cập nhật với công nghệ xây dựng mới, đồng thời chuyển hướng dần theo hướng xây dựng đơn giá tổng hợp để lập tổng mức đầu tư cho các dự án, bỏ dần hệ thống định mức chi tiết.

Bên cạnh đó, có chế tài với các địa phương trong việc công bố các chỉ số giá vật liệu không cập nhật với giá thị trường.

Vấn đề hợp đồng xây dựng và sự bình đẳng của các chủ thể, hiệp hội đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT nghiên cứu mô hình hợp đồng cho từng loại hình đầu tư. Trong đó, ở loại hình đầu tư ngoài ngân sách cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư ở 20% cuối cùng.

Đồng thời xem xét điều chỉnh các loại hình hợp đồng phù hợp với thông lệ quốc tế (FIDIC) cụ thể dạng hợp đồng trọn gói chỉ được áp dụng khi các yếu tố đầu vào được xác định rõ ràng cộng với tiến độ chỉ thực hiện trong vòng 24 tháng.

Về cơ chế thanh quyết toán cần có chế tài bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng, đặc biệt cần quy định rõ cơ chế xứ lý các khối lượng phát sinh trong hợp đồng.

Đối với các khoản chậm trả do lỗi của chủ đầu tư cần có chế tài phạt theo lãi suất ngân hàng thương mại áp dụng.

Vấn đề nguồn vốn tín dụng và lãi xuất, Chủ tịch VACC đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

“Chúng tôi cũng tin tưởng chắc chắn nếu các vướng mắc này sớm được tháo gỡ, các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, sẽ được đẩy nhanh góp phần tích cực vào việc phục hồi phát triển kinh tế toàn xã hội”, ông Hiệp khẳng định.