Nhận biết để cảnh giác trước muôn kiểu lừa đảo tài chính qua mạng

02/06/2022 15:10

Theo dõi trên

COVID-19 không chỉ mang đến dịch bệnh, còn mang theo mối nguy từ việc bùng phát lừa đảo online thông qua các hình thức như chào mời làm việc tại nhà, kiếm thêm thu nhập, đầu tư lãi khủng,…

Theo phản ánh từ nhiều người dân qua hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin vận hành qua đầu số 5656 cho thấy, gần đây đang nở rộ xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT), với mức thù lao hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tài sản.

0-tmt-1654157317.jpg
Gần đây đang nở rộ xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT), với mức thù lao hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tài sản

Nếu người nhận được tin nhắn có nhu cầu phản hồi, đối tượng sẽ gửi đường dẫn giả mạo các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… để mời chào thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online nhằm tăng tương tác cho các gian hàng và yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước, rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.

“Thông thường những nhiệm vụ ban đầu có giá trị nhỏ vài trăm nghìn đồng, cộng tác viên phải thực hiện các bước xác nhận đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty và thường được nhận tiền hoa hồng nhanh chóng về tài khoản ngân hàng. Sau khi “con mồi” bị hấp dẫn và tin tưởng, đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao hơn, khoảng vài chục triệu đồng. Ngay cả khi đã thực hiện 1 giao dịch, cộng tác viên sẽ nhận được thông báo phải thực hiện thêm từ 2 – 3 giao dịch nữa mới được hoàn lại tiền, đến khi không còn khả năng chuyển tiền, cộng tác viên mới bàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa, số tiền lừa lên tới hàng trăm triệu đồng. Cũng có những trường hợp nhận được thông báo từ các đối tượng rằng hệ thống bị lỗi giao dịch, bảo trì, chưa thể thanh toán hoa hồng, nhưng sau đó sẽ là bị chặn liên lạc.

Tương tự như hoạt động lừa đảo đã nêu trên, có nhiều đối tượng còn giả mạo công ty TikTok, sàn TMĐT Tiki nhắn tin tuyển nhân viên đến nhiều người dân với mục đích lừa đảo. Với những người có tinh thần cảnh giác cao sẽ không quan tâm các tin nhắn rác này, nhưng với những người nhẹ dạ cả tin, hoặc vì tò mò sẽ dễ bị lôi kéo tham gia và sập bẫy lừa lừa đảo”, chuyên gia từ VNCERT/CC cảnh báo.

Hay như trường hợp của chị Thanh tại Hà Nội vào thời điểm cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công việc gián đoạn, chị Thanh cũng sập bẫy lừa khi thấy một quảng cáo với nội dung rất hấp dẫn: “Bạn Muốn Kiếm Tiền Tại Nhà. Với 500k – Bạn đã có thể thu lãi hằng ngày. Bảo toàn Hoàn Vốn 100% – Nạp – Rút nhanh chóng. Ưu đãi dành cho thành viên mới tham gia”.

Theo đó, chị Thanh trả lời tin nhắn cần được tư vấn thì lập tức có người kết nối, trao đổi thông tin và mời chị tham gia vào một nhóm cộng đồng trên Telegram với hàng nghìn thành viên bình luận sôi nổi. Trong nhóm đó, ai cũng bày tỏ vui mừng vì đã nhận được lãi đều đặn khi đầu tư, cảm ơn trưởng nhóm đã cho cơ hội,… cùng nhiều nội dung khác. Qua hướng dẫn, chị Thanh đăng ký tài khoản trên một đường dẫn website, nạp tiền và sẽ có người tự “kéo lệnh” để từ số tiền gốc sẽ có lãi gấp nhiều lần, đồng thời cam kết, nếu không đạt được mức lời đó sẽ nhận được bảo hiểm 200% số tiền mình tham gia.

Tuy nhiên, sau vài ngày giao dịch với số tiền nhỏ và nhận lãi thật, chị Thanh bị lôi kéo đầu tư số tiền lớn dần hơn, để được nhận lãi “khủng” và hưởng ưu đãi lớn. Sau thời gian quan sát, do không tỉnh táo, nên chị đã vay mượn tiền từ nhiều người để nạp vào và có thấy lãi trên hệ thống như cam kết. Nhưng đến lúc này, chị Thanh không thể thực hiện lệnh rút tiền như trước đó nên đã khiếu nại đến người tư vấn. Kết quả là nhân viên tư vấn chỉ đưa ra các lý do mang tính kỹ thuật và hứa sẽ giải quyết, nhưng sau đó thì “bặt vô âm tín”. Đến lúc này chị Thanh mới biết mình là nạn nhân nhưng không biết tìm ai để đòi quyền lợi…

Có thể thấy, những lừa đảo qua tin nhắn, qua mạng xã hội đã nở rộ trong thời gian đại dịch, khi các đối tượng đánh vào tâm lý của nhiều người gặp khó khăn trong công việc, có nhu cầu kiếm thêm thu nhập, đặc biệt là thiếu hiểu biết pháp luật.

0-luadao-1654157350.jpeg
Thực tế, không hề có “việc nhẹ lương cao” nào cả, đây chỉ là những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin

Trao đổi với phóng viên, LS. Nguyễn Hữu Toại, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong các vụ án có dấu hiệu lừa đảo, thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can trong trường hợp xác minh được những đối tượng vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do các đối tượng này có những thủ đoạn rất tinh vi, thậm chí đặt máy chủ ở nước ngoài và không sinh sống ở Việt Nam, nên gần như không thể xác minh được đối tượng chiếm đoạt đó là ai, dẫn đến việc không đòi hỏi được quyền lợi cho người tham gia.

Thực tế, không hề có “việc nhẹ lương cao” nào cả, đây chỉ là những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Ngoài ra còn có các hành vi có dấu hiệu lừa đảo khác như thu tiền làm hồ sơ tuyển dụng, đặt cọc tiền trước khi chính thức nhận việc, bắt đóng tiền mở tài khoản trả lương, yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app (ứng dụng) trả lương,…

Từ những trường hợp nêu trên, để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát tài sản, các chuyên gia Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng; thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn. Khi nhận được thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp qua kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.

Đáng chú ý, khi bị lừa đảo thì phải làm gì? Theo công ty Luật  Long Phan, nạn nhân có thể tố cáo đến cơ quan công an cấp xã, phường khi phát hiện hành vi lừa đảo. Cơ quan công an sẽ lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu đồ vật có liên quan cho cơ quan cấp quận, huyện hoặc nạn nhân có thể đến trực tiếp tới công an cấp huyện nơi mình cư trú để tố cáo. Tuy nhiên, nạn nhân cần phải có bằng chứng rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là khi bị lừa đảo qua mạng, thì càng cần đầy đủ thông tin giao dịch như những tin nhắn trao đổi, biên lai chuyển tiền và thông tin của đối tượng lừa đảo như tài khoản, số điện thoại,… Thông tin càng chi tiết, rõ ràng, cụ thể sẽ càng dễ dàng cho cơ quan chức năng giải quyết tin tố giác tội phạm.

Bạn đang đọc bài viết "Nhận biết để cảnh giác trước muôn kiểu lừa đảo tài chính qua mạng" tại chuyên mục Pháp luật. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com