Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023, cao nhất dự đoán 6,76%

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”. Theo đó, CIEM đã dự báo 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2023, với mức tăng trung bình 3 năm đạt lần lượt là 6,35%, 6,69% và 6,76%.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho biết: Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, nhưng đến nay vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và trong nước theo nhiều kịch bản. Tuy vậy, Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt mức 2,91% và 4,48% trong quý I/2021.

“Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch, nhưng kết quả tăng trưởng này cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.

ciem

Từ năm 2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, khiến số doanh nghiệp thành lập mới trong cả nước giảm 2,3%, nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng 29,2%, cho thấy quy mô doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới. Đây là những tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2023.

Báo cáo của CIEM chỉ rõ, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế gián đoạn cung ứng hàng hóa; giữ được mạch cải cách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt, các chính sách tài khóa như hỗ trợ phí, thuế, lệ phí; hỗ trợ giá dịch vụ; an sinh xã hội; chính sách tiền tệ; giảm lãi suất và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng vẫn được thực hiện. Cùng với đó, các chính sách phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số và sản xuất thuốc, hóa dược phát triển mạnh…

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), báo cáo đã dự báo 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2023. Trong đó, kịch bản 1 tăng trưởng năm 2021 sẽ đạt 5,98%; 2022 là 6,45% và 2023 là 6,61%, trung bình 3 năm là 6,35%; kịch bản 2 lần lượt là 6,43%; 6,80% và 6,83%, trung bình 3 năm là 6,69%; kịch bản 3 là 6,47; 6,88 và 6,92%, trung bình 3 năm là 6,76%.

Để đạt được mức tăng trưởng này Việt Nam cần có bước đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm. Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh và bền vững hơn. Trong đó, những đề xuất, định hướng và giải pháp liên quan đến phục hồi kinh tế, cải cách thể chế; độ mở hoạt động kinh tế mới, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa, cùng với đó là yêu cầu phải thực hiện hài hòa, thống nhất trong thời gian tới.