Ba bên đã nhất trí khởi động các sáng kiến, cùng nhau thực hiện và tổ chức thực hiện tổ chức thông tin về di sản; sáng tạo và huy động sức sáng tạo của cộng đồng trong việc tái hiện các giá trị của di sản; truyền thông về di sản và các giá trị của di sản trên các kênh số do Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát triển; tạo lập và phát triển các cộng đồng yêu di sản trên không gian số.
Là một trong bảy kênh thiết yếu quốc gia, Truyền hình Quốc hội Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt về việc tuyên truyền các giá trị văn hóa của Việt Nam. Ông Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam chia sẻ: “Ngày 23/11 vừa qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện thành công Chương trình "24 giờ di sản", phát sóng liên tục từ 6-24h trong ngày. Chương trình đã tiếp cận hàng triệu khán giả, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.
Khối lượng di sản và các câu chuyện đi cùng di sản ở Việt Nam là khổng lồ. "Việt Nam có hơn 3,5 nghìn di sản được xếp hạng trong tổng số gần 4 vạn di tích đã được kiểm kê" - ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản chia sẻ thông tin tại lễ ký. Ông Phong bày tỏ hy vọng, sự tham gia của các đơn vị truyền thông cũng như nền tảng công nghệ truyền thông sẽ góp phần tạo cảm hứng và sự thú vị cho giới trẻ khi đến di tích, bảo tàng.
"TikTok Việt Nam đã triển khai một số chương trình truyền thông các giá trị văn hóa phi vật thể và ghi nhận sự tương tác, quan tâm của hàng triệu người dùng. Riêng hastags #cailuong (cải lương) có hơn 1 tỉ lượt xem" - ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, chia sẻ tại lễ ký.
Sau lễ ký, ba bên đã có những thảo luận, kế hoạch phối hợp ba bên trong năm 2023, thống nhất đặt ưu tiên cho việc huy động sức sáng tạo nội dung về di sản của cộng đồng và đẩy mạnh truyền thông về di sản trên nền tảng TikTok./.