Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kỳ sinh vật nào sống trên trái đất. Không có nước sẽ không có sự sống. Cũng chính vì thế mà ở Việt Nam đặc biệt quan tâm về vấn đề nước, không chỉ bằng chủ trương mà bằng hệ thống pháp luật và chính sách Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều). Đối chiếu với Dự thảo Luật tháng 3-2023, Dự thảo Luật tháng 9-2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật.
Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), TS Hoàng Văn Khoa, Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, về phạm vi điều chỉnh tại điều 1, dự thảo Luật đã đề xuất không đưa “nước dưới đất” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo khái niệm “nước dưới đất” vẫn là tài nguyên nước, do đó cần xem xét giữ lại ở Luật này.
TS Hoàng Văn Khoa đề nghị xem xét việc chồng lấn về quản lý giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi, Luật Khí tượng thủy văn. Đặc biệt “nước mưa”, “nước mặt”, cũng là đối tượng quản lý của các luật khác.
Về các loại quy hoạch tài nguyên nước, cần sắp xếp các quy định về quy hoạch theo thứ tự quy hoạch tài nguyên nước và sau đó là các quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành. Trong mỗi loại quy hoạch cần thể hiện các nội dung: Nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch, thời hạn, thẩm quyền phê duyệt.