Hà Nội: Có hay không việc hợp thức hóa cho dự án 52 Hàng Bài xây dựng sai phép?

Dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở và dịch vụ thương mại tại địa chỉ số 52 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm do Công ty cổ phần Cơ khí Điện tử T&T (Thành viên Tập đoàn T&T) làm chủ đầu tư, dù chỉ được cấp phép là 8 tầng nổi và 2 tầng hầm, nhưng theo phản ánh của người dân, thực tế công trình lại xây lên đến 9 tầng nổi và 5 tầng hầm.
1-1621423067-1660308859.jpg
Công trình 52 Hàng Bài xây dựng sai phép "sừng sững" như thách thức pháp luật?

Có tồn tại một 8B Lê Trực sai phạm thứ hai tại Hà Nội?

Theo tìm hiểu dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở và dịch vụ thương mại có địa chỉ tại số 52 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm do Công ty cổ phần Cơ khí Điện tử T&T (Thành viên của Tập đoàn T&T) làm chủ đầu tư có diện tích 631 m2. Dự án đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 50/GPXD-SXD ngày 24/8/2015 với quy mô 8 tầng nổi + 2 tầng hầm dự kiến được hoàn thiện vào tháng 8/2019.

Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều người dân sống gần khu vực cho biết, hiện nay dự án đã được xây dựng lên 9 tầng nổi và 5 tầng hầm. Công trình này có chiều cao khoảng 35m, vượt trội hơn hẳn so với các công trình xung quanh. Hiện công trình đang gấp rút hoàn thiện để đi vào sử dụng. Quá trình thi công, dự án gây tiếng ồn, bụi bẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân xung quanh.

Theo nguồn tin từ phóng viên tìm hiểu, ngày 25/7/2018 UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2237/QĐ-XPVPHC: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Cơ khí Điện tử T&T vì hành vi xây dựng sai phép tại dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở và dịch vụ thương mại số 52 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại quyết định xử phạt, UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu Chủ đầu tư nộp phạt theo quy định do xây dựng sai Giấy phép xây dựng đã được cấp với biện pháp khắc phục hậu quả: “Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh. Hết thời hạn sẽ bị áp dụng biện pháp phá dỡ theo quy định”.

Ngay sau đó, ngày 26/7/2018, Công ty cổ phần Cơ khí Điện tử T&T đã nộp phạt vào Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các phần sai phạm đến nay vẫn tồn tại và như chưa hề biết về tính hiệu lực của Quyết định trên?!.

 Liệu có hợp thức cho sai phạm?

Cũng theo người dân phản ánh, việc nộp phạt có là tiền đề cho Công ty cổ phần Cơ khí Điện tử T&T được phép điều chỉnh dự án Tổ hợp văn phòng, nhà ở và dịch vụ thương mại nâng cao số tầng lên thành 9 tầng nổi (không tính tum thang) và cùng 5 tầng hầm, trái phép?!

Điều dư luận hết sức khó hiểu là, dù đã bị UBND quận Hoàn Kiếm xử phạt vì hành vi xây dựng sai phép nhưng không hiểu vì lỳ do gì, đến nay sai phạm “khủng” này vẫn không bị cưỡng chế mà ung dung tồn tại như thách thức pháp luật?

Cũng theo người dân, căn cứ theo Quyết định Số: 1259/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngay tại Điều 1, mục 4 “Định hướng tổ chức phát triển không gian” tại khoản b) “Định hướng phát triển hệ thống đô thị” nêu rõ: “ Khu vực nội đô gồm: Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ … Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.”

Như vậy, tại mục này cũng yêu cầu “Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học”.

Còn theo Quyết định số: 11/2016/QĐ-UBND  ngày 4 tháng 4 năm 2016 của UBND TP. Hà Nội về “ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội” đều nêu rõ:

Điều 2. Địa bàn quản lý

Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 05 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. Ranh giới cụ thể được xác định trong Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quy chế này, như sau:

1. Phía Đông Bắc: giáp các đường Nguyễn Khoái, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ (đường đê sông Hồng đoạn từ nút giao cầu Vĩnh Tuy đến nút giao cầu Nhật Tân).

2. Phía Nam: giáp với các đường: Trường Chinh, Đại La, Minh Khai.

3. Phía Tây và Tây Nam: Giáp các đường: Láng, Bưởi, Đường vành đai 2 (đoạn Hoàng Quốc Việt đến nút giao cầu Nhật Tân).

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

Việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong Khu vực nội đô lịch sử, thành phố Hà Nội được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội:

1. Chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; Trường hợp khác với các quy định này (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép) sẽ do UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

3-1621424050-1660308859.jpg
Ô quy hoạch A4.8 quy định rất rõ trong Quyết định 11/2016/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội

Đặc biệt, cũng theo Quyết định số: 11/2016/QĐ-UBND  ngày 4 tháng 4 năm 2016 của UBND TP. Hà Nội, tại phụ lục 03 thì khu vực đường Hàng Bài nằm trong ô quy hoạch A4.8 quy định “ không xây dựng mới công trình cao tầng”.

Vậy ai đã để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị nào? ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc này?

Qua các nội dung trên đề nghị UBND TP. Hà Nội, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận Hoàn Kiếm sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức đã để công trình sai phạm trên “mọc lên” ngược với các Quy định của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.