Hà Nội: Cước vận chuyển tăng cao vì thiếu shipper

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao trong những ngày giãn cách xã hội, trong khi đó, số lượng shipper bị hạn chế, người dân gặp khó khăn trong việc tìm tài xế giao hàng dù giá cước tăng cao.
Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ 6h00 ngày 24/7, đến nay đã được hơn nửa tháng UBND thành phố đã ban hành nhiều công văn khẩn về việc tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy các phương tiện vận tải và shipper vẫn được phép hoạt động nhưng lại bị giới hạn số lượng và phạm vi giao hàng. Điều này đã gây khó khăn lúc vận chuyển trong khi nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng cao. Nếu như các siêu thị, sàn thương mại điện tử có đội ngũ shipper có thể giao  hàng khắp nơi tại Hà Nội thì những cửa hàng thực phẩm chỉ được giao thức ăn trong một quận. Đây cũng chính là lý do giá cước vận chuyển tăng chóng mặt.

shipper 1
Trong những ngày giãn cách xã hội, phí ship cao gấp 5 – 6 lần, nhưng vẫn không có shipper)

Chị Hoàng Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Vì dịch bệnh, đi chợ phải theo ngày và có phiếu nên tôi đã đặt mua hoa quả tại một cửa hàng ở Hà Đông qua facebook, mặc dù cửa hàng khá gần nhà nhưng vì khác quận nên tôi đã rất sốc khi phải trả đến 80.000 đồng cho một đơn hàng giá 200.000 đồng. Trong khi ngày thường được miễn phí vận chuyển”.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, nhu cầu mua hàng thực phẩm, thiết yếu online tăng mạnh, trong khi lại thiếu shipper nên mức giá vận chuyển đang tăng khá cao, thậm chí không có người để giao hàng cho khách.

Chị Đỗ Thị Nhuận (Từ Liêm, Hà Nội), một người bán các loại thức ăn chế biến sẵn cho biết, từ ngày Hà Nội giãn cách xã hội, nhu cầu đặt hàng tăng rất cao, cũng vì nhiều gia đình hạn chế đi chợ búa, mua sắm. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội hạn chế hoạt động của các shipper (bằng cách cấp một lượng thẻ hoạt động nhất định), giá ship đắt gấp rưỡi, gấp đôi khiến chi phí của những người kinh doanh như chị tăng vọt. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, việc buôn bán của chị gần như tê liệt vì chỉ ship được nội quận, trong khi khách quen của chị ở khắp nơi trong thành phố.

"Giờ muốn bán cho khách ở địa bàn khác ngoài quận Từ Liêm, tôi phải đặt qua mấy cầu, kể cả việc nhờ người quen có giấy đi đường chuyển giúp, khiến thời gian, chi phí tăng vọt. Đây là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội trong bối cảnh người dân ai ai cũng lo thắt lưng buộc bụng vì dịch bệnh. Đó là chưa kể, việc một gói hàng được ship qua nhiều chặng mới đến tay người tiêu dùng cũng làm gia tăng tiếp xúc, gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh", chị Nhuận nói.

shipper 2
Việc phí ship tăng quá cao, thời gian giao hàng chậm ảnh hưởng lớn đến cả người mua hàng lẫn người bán hàng online)

Giá ship nội thành tăng cao và giá ship từ các tỉnh về Hà Nội cũng tăng cao không kém. Chị Ngọc Mai (Kinh Ngưu, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường người thân gửi hàng từ Thái Nguyên xuống Hà Nội chỉ mất 50.000 đồng, thế nhưng vào những ngày giãn cách chi phí vận chuyển lên đến 250.000 đồng một lượt gửi, mà lại phải đợi cả ngày mới nhận được hàng vì không có ship vận chuyển, nhận được hàng thì rau củ đã héo hết vì nắng nóng”.

Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị duy trì hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ chống dịch COVID-19. Theo đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của shipper. Mặc dù hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hóa hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng.

Văn bản cũng nêu lên việc tỷ lệ người mua và người bán trên cùng 1 quận, huyện là không cao, hơn nữa mỗi chuyến giao hàng của shipper có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. VECOM cho rằng, nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận. Hiệp hội này cũng chia sẻ thực tế gần đây tỷ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp.

Do đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tế để hỗ trợ shipper, gỡ bỏ những quy định như chỉ được hoạt động tại 1 quận, huyện.