Đáng chú ý, số nợ phải tính lãi là hơn 1.813 tỷ đồng, tăng 205,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó có tới 3.543 đơn vị nợ kéo dài từ 2 năm trở lên với số tiền nợ hơn 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 138 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng vạn lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê 06 tháng đầu năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên cả nước đã xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh những lý do như người lao động yêu cầu chủ sử dụng tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi... thì một trong những nguyên nhân dẫn tới ngừng việc tập thể là do doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN (gọi chung là nợ BHXH).
Tình trạng nợ đọng BHXH đã trở thành một vấn đề gây bức xúc đối với người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng và trực tiếp là ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tổng số nợ các loại bảo hiểm trong cả nước đã lên tới hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 5% số phải thu, tăng gần 4,6% so cùng kỳ năm 2021.
Trước tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội thì mới đây, BHXH TP đã công bố quyết định thanh tra 105 đơn vị nợ BHXH. Cụ thể, theo Quyết định số 3550/QĐ-TTTP của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra TP sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra 105 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên 12 tháng. Đoàn thanh tra liên ngành gồm 3 tổ công tác là cán bộ từ các cơ quan của Sở LĐ – TB&XH, Liên đoàn Lao động TP, BHXH TP, mỗi tổ công tác thực hiện thanh tra tại 35 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Thanh tra TP sẽ tập trung thanh tra việc chậm đóng; việc nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, thời kỳ thanh tra từ 01/01/2021 cho đến thời điểm kiểm tra. Nội dung thanh tra bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó các đoàn sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, xác định rõ số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục của các đơn vị trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Theo ông Vũ Đức Thuật – PGĐ BHXH TP Hà Nội cho biết, 105 doanh nghiệp đưa vào danh sách thanh tra lần này đều là những doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài, trên 12 tháng, BHXH đã có nhiều văn bản đôn đốc nợ, làm việc trực tiếp nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục nợ. Qua thống kê, tổng số nợ BHXH của 105 doanh nghiệp là 35,4 tỷ đồng với 998 lao động. Căn cứ vào kết quả thanh tra và tùy theo mức độ, đoàn tranh tra liên ngành sẽ đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách BHXH, BHYT. Hồ sơ của những đơn vị vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.