Cà phê Việt "lên sàn":

Highlands Coffee chuẩn bị IPO

Highlands Coffee – chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam – đang chính thức khởi động lại kế hoạch IPO trong bối cảnh thị trường tài chính đang dần phục hồi và sức nóng từ các thương vụ niêm yết trong khu vực tăng cao.

image-20250424125407-4-1745476649.jpeg

Highlands Coffee chuẩn bị IPO, định giá gần 1 tỷ USD

Chia sẻ với DealStreetAsia, nhà sáng lập kiêm CEO David Thái cho biết thương hiệu đang phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đầu tư hàng đầu như UBS và Jefferies để chuẩn bị cho lần "lên sàn" này.

Ông tiết lộ rằng sàn chứng khoán Việt Nam là lựa chọn ưu tiên số một, dù trước đó Highlands từng cân nhắc các thị trường quốc tế như Singapore, Hong Kong, ADX (Abu Dhabi), và thậm chí cả Mỹ.

“Chúng tôi chọn Việt Nam không chỉ vì tiềm năng thị trường, mà còn vì đây là nơi khởi nguồn câu chuyện thương hiệu. Thành công của Highlands đến từ khách hàng, nhân viên và bản sắc Việt”, ông David Thái khẳng định.

Động thái này diễn ra sau thành công IPO của chuỗi Fore Coffee (Indonesia), huy động được hơn 21 triệu USD và tăng giá mạnh ngay phiên giao dịch đầu tiên.

Highlands Coffee hiện do "đại gia" ngành F&B châu Á – Jollibee Foods Corp. (JFC) – nắm phần lớn cổ phần. Sau khi mua 50% cổ phần vào năm 2012, Jollibee đã giúp Highlands tăng tốc mạnh mẽ. Đến cuối năm 2024, chuỗi này vận hành hơn 850 cửa hàng, chiếm khoảng 35–40% thị phần cà phê chuỗi tại Việt Nam và ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng 13%.

Theo Reuters, vào năm 2022, JFC từng đàm phán bán một phần cổ phần tại Highlands với mức định giá lên tới 800 triệu USD – một bước đệm để hướng tới IPO sau nhiều năm cân nhắc.

Highlands hiện tập trung 90% hoạt động tại Việt Nam, phần còn lại ở nước ngoài. Thương hiệu cũng đang xuất khẩu các sản phẩm cà phê đóng gói (CPG) tới hơn 20 quốc gia như Úc, Nhật Bản và Canada. Tuy nhiên, trong chiến lược dài hạn, Highlands hướng đến mở rộng mô hình bán lẻ cà phê đặc sản Việt Nam ra thế giới, với trọng điểm là Đông Nam Á, Bắc Á, khu vực Vịnh và Mỹ.

“Mỗi thị trường quốc tế sẽ có đối tác chiến lược bản địa đáng tin cậy. Chúng tôi vẫn giữ quyền kiểm soát chất lượng và vận hành”, ông Thái nói thêm.

Ông cũng cho biết, dù hợp tác chiến lược với Jollibee từ năm 2010, quyền điều hành và phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam vẫn do đội ngũ bản địa đảm nhiệm hoàn toàn.

Triển vọng ngành cà phê Việt Nam cũng được ông Thái đánh giá rất lạc quan, dự báo giá trị thị trường có thể chạm mốc hơn 800 triệu USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,13%/năm.

Ở một diễn biến khác, thương vụ Golden Gate thâu tóm 99,98% cổ phần The Coffee House cũng đang khiến ngành cà phê Việt thêm sôi động. Đây là bước đi đầu tiên của Golden Gate trong việc mở rộng sang lĩnh vực đồ uống sau gần 20 năm thống trị mảng nhà hàng.