Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, việc các doanh nghiệp lớn thông báo kế hoạch trả cổ tức cho cổ đông luôn thu hút sự chú ý đặc biệt.
Một trong những thông tin đáng chú ý trong thời gian gần đây là thông báo từ Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), với quyết định chi trả cổ tức lên tới 20% cho năm 2024, bao gồm cả tiền mặt.
Đây là một tin vui không chỉ đối với các cổ đông của tập đoàn mà còn phản ánh sự hồi phục và phát triển bền vững của Hòa Phát, dưới sự dẫn dắt của “vua thép” Trần Đình Long.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa công bố, HĐQT Hòa Phát dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Nguồn chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát trả cổ tức sau 3 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ cho chiến lược đầu tư dài hạn, đặc biệt là các dự án lớn, bao gồm cả dự án Dung Quất 2.
Hòa Phát sắp trả cổ tức 20% bao gồm cả tiền mặt
Việc chi trả cổ tức 20% bao gồm cả tiền mặt, đồng nghĩa với việc các cổ đông của Hòa Phát sẽ nhận được một phần không nhỏ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển của tập đoàn.
Cụ thể, với gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG đang lưu hành, tổng chi phí thực hiện cổ tức có thể lên đến 12.800 tỷ đồng. Trong số này, gần 3.200 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán tiền mặt trong vòng 6 tháng sau khi ĐHĐCĐ thông qua. Khoảng 960 triệu cổ phiếu mới cũng sẽ được phát hành, nâng vốn điều lệ dự kiến lên hơn 73.556 tỷ đồng.
Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu với 170.000 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 15.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 25% so với năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch, doanh thu của nhà sản xuất thép này sẽ đạt mức kỷ lục mới, còn lợi nhuận sẽ cao nhất trong 4 năm.
Riêng với năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu chia cổ tức 2025 theo tỷ lệ 20%.
Lý do Hòa Phát chi trả cổ tức sau ba năm “giữ mình”
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, đã từng chia sẻ rằng trong 3 năm qua, tập đoàn đã phải "giữ mình" để tập trung vào các kế hoạch phát triển lâu dài.
Thay vì chi trả cổ tức ngay trong giai đoạn khó khăn, Hòa Phát đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư vào các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án thép Dung Quất 2. Đây là một chiến lược dài hạn, được thực hiện với mục tiêu tăng trưởng bền vững và nâng cao giá trị cho cổ đông trong tương lai.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long đã nói về vấn đề không chia cổ tức. Ông cho biết với kết quả kinh doanh như năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, hội đồng quản trị đã đề xuất không chia cổ tức 2022.
Lý do cho việc không chia cổ tức, theo ông Trần Đình Long là do nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Cụ thể, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất, riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ đồng.
“Giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỉ đô như Hòa Phát, nên phải nói là chúng tôi đang tập trung toàn lực cho một dự án lớn như vậy, tập trung vào quả đấm thép trên 3 tỷ USD. Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực, chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó”, ông Long khẳng định.
Còn tại ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ thẳng thắn rằng Hòa Phát đang nắm trong tay khoảng 30.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, đó không phải “tiền thừa” để đem đi đầu tư linh tinh.
“Chúng tôi không dám phiêu lưu, không dám đầu tư bất động sản hay trái phiếu. Tập đoàn có nhiều tiền mặt như thế nhưng có dám dùng đâu, còn phải lo cho Dung Quất 2”, ông Long nói.