Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long bị giả mạo chữ ký, quy định của pháp luật ra sao?

Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo, một số đối tượng xấu đã giả mạo chữ ký của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn này nhằm mục đích lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào các dự án giả. Quy định của pháp luật về hành vi giả mạo chữ ký như thế nào?

Giả mạo chữ ký "tươi" của tỷ phú Trần Đình Long để lừa đảo
Tập đoàn Hòa Phát mới đây thông báo liên tục nhận được thông tin về việc nhiều cá nhân/tổ chức đã mạo danh tập đoàn để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án. Thậm chí, Hòa Phát còn bị các đối tượng làm giả hồ sơ, chữ ký và con dấu.

gia-mao-tap-doan-hoa-phat-1-1407-1723605148.jpg

Website kêu gọi đầu tư và các văn bản quyết định giả mạo Tập đoàn Hòa Phát.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo lấy tất cả logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn, tạo ra các website giả mạo như http://hoaphat.cc/mobile/index.html; https://hptrading.site/ để kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn.

Đơn cử: "Dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỷ đồng, đã đạt tiến độ tới 48%, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%".

Không những thế, đối tượng lừa đảo còn khiến người dân và cả khách hàng của Hòa Phát cả tin khi làm giả cả quyết định điều chuyển nhân sự.

Thậm chí, các đối tượng còn giả mạo chữ ký của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long để “ký tươi, đóng dấu đỏ” làm thành thông báo “Chấn chỉnh quy định thực hiện giờ giấc, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của Công ty trong giai đoạn thực hiện triển khai dự án”.

Tập đoàn Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ dự án nào của mình. Tập đoàn đã nhiều lần cảnh báo trên website và các kênh truyền thông chính thức, đồng thời thực hiện lập vi bằng và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vấn đề này.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã đăng thông báo "Cảnh báo thủ đoạn giả mạo tuyển dụng" trên website của mình.

Nữ ca sĩ Việt bị giả mạo chữ ký vay nợ hàng tỷ đồng
Liên quan đến hành vi giả mạo chữ ký, vào hồi tháng 6, trên trang Facebook cá nhân, ca/nhạc sĩ Tiên Tiên thu hút nhiều sự quan tâm khi thông báo bản thân bị vướng vào một vụ lừa đảo lên đến gần 10 tỷ đồng. Theo bài đăng, nữ ca sĩ bị một nhân viên ngân hàng chi nhánh ở TP Huế giả mạo chữ ký, lấy thông tin cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

gia-chu-ki-1723605248.jpg

Ca sĩ Tiên Tiên bị nhân viên ngân hàng giả mạo chữ ký để lừa đảo.

Đến ngày 31/5, Tiên Tiên bàng hoàng phát hiện nhân viên ngân hàng trên đã giả mạo chữ ký của mình để làm giấy tờ mượn tiền. Người này sử dụng thông tin cá nhân của Tiên Tiên lấy uy tín, chiếm đoạt rất nhiều tiền từ một nhóm người. Đáng chú ý, con số lên đến hơn 9 tỷ đồng.

Thậm chí khi phát hiện bị giả mạo chữ ký để vay số tiền lớn, Tiên Tiên bị nhân viên ngân hàng đùn đẩy số tiền nợ, quanh co chối tội. Sau quá trình mời công an làm việc, người này mới thừa nhận hành vi lừa đảo của mình, sau đó viết cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ hơn 9 tỷ đã làm giấy vay nợ dưới tên của Tiên Tiên.

Quy định của pháp luật về hành vi giả mạo chữ ký

gia-mao-chu-ky-1419-1723605148.jpg

Ảnh minh hoạ

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau:

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Trường hợp không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính bằng phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

BÀI LIÊN QUAN