Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung Khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước tại khu vực Bãi Gốc.
Khu vực này có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu tổng hợp trọng tải đến 250.000 tấn và các tàu chuyên dùng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đề xuất các phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc gồm: Quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép. Công ty đã phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi;…
Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng: Cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, cảng Bãi Gốc thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên có rất nhiều lợi thế, là nơi vận chuyển hàng hóa qua khu vực biển Đông, do đó tỉnh Phú Yên rất quyết tâm thu hút đầu tư.
Sau khi đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, so sánh từng phương án để đưa ra lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch tỉnh Phú Yên; Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên và đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư phải tập trung quản trị hiệu quả, tính đủ công suất, trong đó phải lưu ý các chức năng cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị nhà đầu tư cam kết rõ ràng với tỉnh về mặt tài chính, thời gian thực hiện nhằm phát huy tối đa hiệu quả dự án. Đối với việc kết nối giao thông và dịch vụ hậu cần của cảng, nhà đầu tư cần đảm bảo tính khoa học và an toàn, tránh việc xung đột giao thông. Đối với đê chắn sóng, cần phải đảm bảo mặt kỹ thuật, kết cấu đê.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các ngành chức năng liên quan của tỉnh hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tiến hành các thủ tục tiếp theo, đảm bảo đúng quy định.