Hơn 154.000 tỷ đồng đổ vào trái phiếu bất động sản

Nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thị trường này.

Chiều 14/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin đến cuối tháng 5, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% trong tổng số đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống và tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.

Để phát triển lành mạnh thị trường này trong thời gian tới, NHNN đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

"Đồng thời, nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như thị trường chứng khoán, vốn FDI... để phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, trong đó có kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng...

dau tu trai phieu bat dong san anh 1

Cơ cấu sản phẩm bất động sản ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang mất cân đối. Ảnh: Việt Linh.

Doanh nghiệp địa ốc huy động gần 90.000 tỷ đồng

Chia sẻ thêm về thực trạng phát hành trái phiếu bất động sản, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu. Một số đơn vị lớn cũng đã mở rộng ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1,305 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2021.

Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu minh bạch, lành mạnh, Bộ Tài chính đề xuất tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu.

Về công tác đấu giá đất thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá.

Đặc biệt, ông Ngân đánh giá thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm, TP.HCM) là sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...

Do đó, lãnh đạo bộ này đề xuất bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá.

Về định giá đất, Thứ trưởng Ngân đề xuất bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất.

dau tu trai phieu bat dong san anh 2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Bất động sản ngoại thành sẽ hút nhà đầu tư

Dự báo xu hướng phát triển bất động sản thời gian tới, ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng phân khúc bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục phát triển. "Mô hình bất động sản xanh, bất động sản sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư", ông dự báo.

Theo ông Chiến, nguồn cung mới những năm tới cũng sẽ tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các khu đô thị vệ tinh, bám bên các đường vành đai lớn của các đô thị.

Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng được dự báo tiếp tục phát triển, bất động sản văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thay đổi. Sau khi hoàn thiện khung pháp lý, bất động sản du lịch cũng dự kiến có sự điều chỉnh theo hướng phát triển kinh doanh du lịch.

Đề xuất các giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, ông Chiến cho rằng cần tăng cường hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư, tăng quỹ đất...

Cần đưa chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của từng tỉnh, quốc gia.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

"Ngoài ra, cần đưa chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của từng tỉnh, quốc gia", ông đề xuất.

Về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, ông Chiến cho biết thị trường đang nạp thêm nhiều loại hàng hóa được sử dụng đa công năng như condotel, shophouse, resort, villa...

"Pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp. Một số doanh nghiệp bất động sản du lịch có kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu giải quyết vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu… để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư dự án", ông nói.

Theo ông, bất động sản du lịch là sản phẩm đã hình thành trong thực tế nhưng chưa có pháp luật điều tiết cụ thể mà đang chịu sự điều tiết của ít nhất 5 luật. Do đó, Chính phủ, cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ.

Đề xuất tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, góp phần tăng nguồn cung cho bất động sản hiện nay.