Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian vừa qua, Tổ chức thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đã tiến hành điều tra các thực tập sinh Việt Nam và phát hiện, một số thực tập sinh được doanh nghiệp yêu cầu ký bản cam kết hoặc tư vấn với nội dung: “Thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản”.
Việc này không phù hợp quy định pháp luật của hai nước và Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chương trình thực tập kỹ năng.
Để tránh phát sinh sự việc OTIT phản ánh nêu trên, ngày 26/5/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước có công văn gửi các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.
Văn bản yêu cầu doanh nghiệp quán triệt các nhân viên của doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng, ký kết hợp đồng…, tuyệt đối không yêu cầu người lao động ký cam kết hoặc tư vấn với nội dung “thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản”.
Trường hợp phát sinh sự việc mang thai, sinh con… trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, doanh nghiệp trao đổi với với đoàn thể quản lý, công ty tiếp nhận và bản thân thực tập sinh để có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Trước đó, cơ quan này đã có công văn hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của chương trình thực tập sinh kỹ năng, không đưa những nội dung không phù hợp vào hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, tính đến ngày 20/3, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt gần 38 nghìn người. Trong số này, có 12.872 lao động nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 34%.
Riêng tại thị trường Nhật Bản, đến thời điểm trên đã có 17.696 lao động sang làm việc. Trong số này có gần 7.000 lao động nữ.