Theo dữ liệu từ nhà nghiên cứu bất động sản CREIS, những ngôi nhà mới ở 100 thành phố của Trung Quốc có giá khoảng 16.204 nhân dân tệ (2.402 USD) trên mỗi mét vuông trong tháng 7, thấp hơn 0,01% so với tháng 6.
Số lượng các thành phố ghi nhận mức giảm giá đã tăng từ 41 thành phố trong tháng 6 lên 47 thành phố trong tháng 7, khi phong trào tẩy chay, đe dọa không thanh toán các khoản vay thế chấp để mua nhà trên toàn quốc lan rộng, đè nặng tâm lý lên nhiều bên liên quan.
Trong vài tuần qua, người mua ở hơn 320 dự án bất động sản tại 95 thành phố của Trung Quốc đã từ chối thanh toán các khoản lãi vay thế chấp cho tới khi được bàn giao nhà ở, theo dữ liệu cập nhật trên “WeNeedHome” trên GitHub, nền tảng chia sẻ mã hợp tác của Microsoft.
Esther Liu, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings cho biết: “Trong khi các cơ quan quản lý đã nới lỏng nhiều biện pháp, một số chủ đầu tư đang gặp khó khăn như China Evergrande Group đã hết tiền để hoàn thiện các dự án nhà ở”. S&P dự đoán giá nhà của Trung Quốc sẽ giảm tới 7% trong năm nay và doanh số bán hàng giảm từ 28% đến 33%.
Lần giảm giá nhà mới gần đây nhất là vào tháng 11 năm ngoái, sau đó chính quyền trung ương cũng như chính quyền địa phương bắt đầu mềm mỏng hơn và đưa ra các biện pháp để vực dậy thị trường. Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch cứu trợ lĩnh vực bất động sản với một quỹ có thể lên tới 12 tỷ USD, theo một số báo cáo.
Raymond Cheng, Giám đốc điều hành của CGS-CIMB Securities cho biết: “Để đảo ngược tâm lý thị trường yếu ớt hiện nay trên thị trường bất đống sản và vốn, cả nợ và vốn chủ sở hữu, chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý cần xác nhận và công bố kế hoạch chi tiết của quỹ cứu trợ bất động sản”.
Kể từ khi Bắc Kinh thực thi chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào tháng 8/2020 để kiểm soát các khoản nợ trong lĩnh vực này, khả năng bán nhà để tạo tiền mặt của các nhà phát triển bất động sản đã bị ảnh hưởng, khiến tình trạng vỡ nợ trái phiếu gia tăng.
Sichuan Languang Development là công ty đầu tiên vỡ nợ vào năm 2021. Tình trạng thanh khoản thấp khiến công ty không thể thanh toán cho khoản vay trái phiếu trị gái 139 triệu USD. Tình trạng vỡ nợ sau đó đã lan rộng ra nhiều công ty khác, trong đó bao gồm gã khổng lồ China Evergrande, công ty được mệnh danh là daonh nghiệp bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ 300 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 20 nhà phát triển Trung Quốc không trả được nợ gốc hoặc lãi vay cho các khoản vay trái phiếu, trong khi 7 nhà đầu tư khác đang đàm phán để các trái chủ gia hạn thêm thời gian trả nợ. Danh sách này dự kiến sẽ còn tăng lên.
Evergrande đã vạch ra chiến lược mà họ gọi là "các nguyên tắc sơ bộ" để tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài của mình. Công ty cho biết rằng một kế hoạch chi tiết sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.
Nhà phát triển cũng cho biết một trong những công ty con của họ, Evergrande Group (Nanchang), đã được lệnh phải trả 7,3 tỷ nhân dân tệ vì không tuân thủ các nghĩa vụ về nợ đối với doanh nghiệp. Evergrande nói rằng họ có thể phải bán 1,28 tỷ cổ phiếu nắm giữ tại Ngân hàng Shengjing được cung cấp dưới dạng đảm bảo đối ứng để đáp ứng các nghĩa vụ nợ sau phán quyết của các cơ quan chức năng.