Kỳ 2: Có hay không việc “rửa tiền” thông qua dự án Summit – 216 Trần Duy Hưng ?!

Có hay không việc “rửa tiền” thông qua đầu tư bất động sản tại dự án Summit – 216 Trần Duy Hưng? Đây là câu hỏi mà công luận, giới tri thức và luật sư đang băn khoăn, kiến nghị làm rõ. Vì Hà Nội đã dành sự “ưu ái” lớn khi giao “đất vàng” nghìn tỷ cho doanh nghiệp mới thành lập sau 7 tháng.
summit-building-216-tran-duy-hung-1702819615.png
Có hay không việc "rửa tiền" thông qua đầu tư bất động sản, dự án Summit 216 Trần Duy Hưng cũng đang được dư luận quan tâm.

 

Dấu hỏi lớn về doanh nghiệp được giao đất nghìn tỷ

Tầm Nhìn điện tử đã đăng tài bài: “Ai tiếp sức vi phạm, “bán chui” dự án “đất vàng” 216 Trần Duy Hưng ?”, bài báo đã thông tin bước đầu tới bạn đọc về việc “đất vàng” 216 Trần Duy Hưng được các đối tượng chia tách, biến hóa, sau đó được thành phố Hà Nội “hợp thức” bằng quyết định giao đất cho doanh nghiệp tư nhân nhưng không qua đấu giá, tiềm ẩn gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Ban đầu từ khu đất với mục đích sử dụng là “dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm”. Đến nay, dự án đã biến hóa thành “nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building”.

Ngay sau khi bài báo đăng tải, nhiều bạn đọc đã tỏ rõ những băn khoăn về công tác quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Có hay không tiêu cực, hay lợi ích nhóm trong việc giao “đất vàng” nghìn tỷ 216 Trần Duy Hưng và cũng đặt câu hỏi doanh nghiệp của doanh nhân trẻ tuổi đó giàu cỡ nào mà lại được UBND thành phố Hà Nội ưu ái giao “đất vàng” nghìn tỷ ?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu, xin thông tin tới bạn đọc những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

Được biết, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội (Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội), do ông Trịnh Hữu Hưng, sinh năm 1985 có hộ khẩu tại thôn 10, xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là giám đốc và Công ty TNHH Thương mại đầu tư Bất động sản 216 (nay là Công ty Cổ phần đầu tư 216) do bà Đinh Thị Hải Anh, sinh năm 1991, có hộ khẩu tại 217 – B1 Cát Linh, Ba Đình, Hà Nội là giám đốc.

Khi nhận giao đất vàng nghìn tỷ, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội mới được thành lập chưa đầy 7 tháng tuổi và giám đốc của doanh nghiệp này là ông Trịnh Hữu Hưng thời điểm đó cũng mới 29 tuổi.

Còn Công ty Cổ phần đầu tư 216, do bà Đinh Thị Hải Anh là giám đốc lúc đó chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Và phải đến ngày 01/10/2015 Công ty Cổ phần đầu tư 216 mới được cấp phép kinh doanh, theo giấy phép số 0107011741, lúc này bà Đinh Thị Hải Anh mới 24 tuổi.

Có thể nói, cả hai doanh nghiệp này đều rất non trẻ, mới gia nhập thị trường, chưa có thành tích gì nổi bật... Cho đến nay, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội có vốn điều lệ không cao, chỉ 205 tỷ đồng. Còn vốn điều lệ của Công ty Cổ phần đầu tư 216 là 60 tỷ đồng. Hiện tại, nếu tính tổng vốn của cả hai doanh nghiệp này, thì còn kém rất xa giá trị nghìn tỷ đồng của khu đất 216 Trần Duy Hưng.

Đến đây chắc nhiều người không khỏi “trầm trồ” băn khoăn, phải chăng Hà Nội đã có sự “ưu ái” quá lớn cho 2 doanh nghiệp non trẻ này, hay có sự khuất tất nào chăng?!

Mặc dù mục đích ban đầu, là quyết định giao một phần khu “đất vàng” có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, không phải giải phóng mặt bằng, không qua đấu giá cho doanh nghiệp rất non trẻ mới được thành lập, có vốn đăng ký thấp, để tiếp tục thực hiện một phần dự án theo như mục đích ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi nhận được đất, Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đã kết hợp với Công ty Cổ phần đầu tư 216 thành lập liên danh đầu tư dự án và được UBDN thanh phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch ký quyết định chấp thuận chủ trương liên danh chủ đầu tư dự án.

Cụ thể. Ngày 03/01/2017, bằng Quyết định số 01/QĐ-UBND, thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building do liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản 216 là liên danh chủ đầu tư.

Cũng theo quyết định này, thì dự án có tổng mức đầu tư là 791,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay tổ chức tín dụng và huy động hợp pháp khác là 633,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi được UBND thành phố Hà Nội giao đất và được chấp thuận chủ trương đầu tư, liên danh Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty CP Đầu tư 216 cho xúc tiến triển khai dự án bằng việc “cầm cố” tại ngân hàng.

Cụ thể, ngày 13/01/2017 (sau 10 ngày được chấp thuận đầu tư), liên danh này đã thế chấp: Toàn bộ các quyền và lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building” tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, theo Hợp đồng vay vốn số 12/2017/HĐBĐ-PVB UPPER SME, để vay 800 tỷ đồng, tại tại ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVCombank.

Có hay không việc “rửa tiền” thông qua đầu tư bất động sản ?

Với việc dễ dàng vay 800 tỷ từ ngân hàng PVCombank, vượt xa con số được chấp thuận đầu tư, khiến công luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi, phải chăng đứng sau liên danh này là “đối tượng” có tầm ảnh hưởng lớn thực hiện việc “rửa tiền” chăng?!

Bằng việc thế chấp ngân hàng sau đúng 10 ngày, để lấy tiền triển khai dự án, càng có thể khẳng định vốn của liên danh này chỉ là “cái vỏ” khi vay tới 800 tỷ đồng vượt xa cả mức tổng đầu tư được cấp phép ? Và càng khẳng định năng lực thực sự của liên danh này là yếu kém ?

cong-ty-co-phan-veracity-1702819777.png
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nay đã nghỉ hưu) ký quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 21/08/2019 cho phép liên danh Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, Bất động sản 216 chuyển nhượng dự án cho pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Veracity.

 

Vì năng lực yếu kém, nên dự án tiếp tục bị chậm tiến độ, dự án Summit 216 Trần Duy Hưng một lần nữa được ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nay đã nghỉ hưu) ký quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 21/08/2019 cho phép liên danh Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, Bất động sản 216 chuyển nhượng dự án cho pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Veracity.

Được biết dàn lãnh đạo của Công ty Cổ phần Veracity là ông Trần Quốc Tuấn và bà Trịnh Thị Hà có những mối liên hệ rất mật thiết với Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank). Cần phải lưu ý PVcomBank chính là nhà băng đã cấp khoản tín dụng vượt mức cấp phép đầu tư dự án Summit 216 Trần Duy Hưng. (Tầm Nhìn điện tử sẽ thông tin chi tiết mối liên hệ này vào số báo sau).

Điều đặc biệt nữa là cả 3 công ty trên, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận là đều có chung một người liên hệ là bà Tăng Thị Hương. Cho tới thời điểm hiện tại cả bà Đinh Thị Hải Anh và ông Trịnh Hữu Hưng và bà Tăng Thị Hương đều không còn sinh sống ở địa chỉ đăng ký và rất ít người có thể biết đến nơi ở của hai vị giám đốc trẻ tuổi này và bà Tăng Thị Hương.

luat-su-nguyen-duc-hung-1702819777.png
Thạc sỹ, Luật Sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TGS (Đoàn Luật Sư T.P Hà Nội).

Theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TGS (Đoàn Luật Sư T.P Hà Nội): Được biết, dự án Summit 216 Trần Duy Hưng được khởi công xây dựng quý 1 – 2017 vậy có thể thấy thời điểm khởi công dự án rất gần với thời điểm thành lập doanh nghiệp nên có thể nhận định hai doanh nghiệp trên còn tương đối trẻ. Ngoài ra, theo tìm tiểu trên một số cổng thông tin điện tử thì Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Bất động sản 216 chưa có thành tựu nổi bật nào trong lĩnh vực xây dựng nhà các loại. Chính vì vậy, cần cân nhắc khi giao đất để thực hiện dự án. Để được chọn làm chủ đầu tư xây dựng dự án thì công ty cần đạt được các tiêu chí theo quy định...

Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đã có những thay đổi khác về các trường hơp đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, Nhà nước cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất khi “sử dụng đất thương mại, dịch vụ”. Như vậy, năm 2014, khi UBND Thành phố Hà Nội thu hồi đất do Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long quản lý, sử dụng; giao cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội thuê, để tiếp tục thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, việc giao đất này cần thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá trong lĩnh vực đất đai.

Do vậy, giao đất không qua đấu giá không đúng quy định có thể ảnh hưởng đến các khoản thu vào Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, việc dự án liên tục được ngân hàng PVCombank cấp vốn làm vốn đầu tư của dự án lớn hơn rất nhiều so với vốn dự định ban đầu đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề này. Liệu rằng có xuất hiện hành vi rửa tiền thông qua việc đầu tư này hay không? Chính vì thế, cần có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ các hành vi này.”.

Tầm Nhìn điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.