Trong ngày siêu khuyến mãi lớn nhất trong năm 12/12, bên cạnh nhiều cổ phiếu lớn nhóm bất động sản, chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu thép đồng loạt giảm sàn. Một số cái tên thậm chí còn giảm kịch sàn trong tình trạng “trắng bên mua”.
Đáng chú ý, bộ 3 cổ phiếu thép “đình đám” là Hòa Phát (-3,13%), Hoa Sen (-6,95%) và Nam Kim (-6,95%) đều bị bán mạnh sau giai đoạn hồi phục nhanh từ đáy. Theo đó, sắc đỏ bao trùm trên gần như toàn bộ cổ phiếu nhóm này phiên hôm nay, thậm chí cổ phiếu HSG của Hoa Sen còn giảm sàn trắng bên mua.
Kết phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu HPG đang dừng ở mức 18.600 đồng/cp. Tương tự, cổ phiếu HSG của Hoa Sen là 12.050 đồng/cp, NKG có giá 12.450 đồng/cp.
Dù vậy, so với đáy cách đây gần một tháng, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã tăng hơn 50-60%. Nhịp tăng khá mạnh gần đây đã đưa các cổ phiếu thép tạm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quý 3 vừa qua.
Trên thị trường, một số tín hiệu tích cực cũng đã bắt đầu xuất hiện với ngành thép khi được hỗ trợ bởi đầu tư công và giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.
Theo Chứng khoán VNDirect, với việc Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.
Do đó, bất chấp việc giá bán thép vẫn tiếp tục giảm trong tháng 10-11, VNDirect vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty thép sẽ phục hồi từ quý 4/2022 khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn hàng bán của quý trước đó.
Trước đó, doanh thu của 3 doanh nghiệp đầu ngành là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim ở quý 3/2022 đã giảm 25% so với cùng kỳ và giảm 18% so với quý trước đó khi nhu cầu thép yếu khiến cả sản lượng và giá bán đều giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào như than cốc và thép HRC tăng cao, lãi suất tăng và chênh lệch tỉ giá đã khiến nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận lỗ kỷ lục.
Ngoài ra, thị trường bất động sản nhà ở chậm lại trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu thép trong nước giảm đáng kể.
VNDirect cho rằng, khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu, nhu cầu thép mới có khả năng tăng trở lại. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thượng nguồn, gồm Hòa Phát, Formosa, Pomina hay hạ nguồn như Nam Kim, Hoa Sen, SMC sẽ được cải thiện đáng kể.