Lùm xùm vụ đấu giá xuyên đêm 3 mỏ cát ở Hà Nội

Phiên đấu giá 3 mỏ cát ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) kéo dài từ 9 giờ sáng ngày 5/11 đến 5 giờ 30 phút ngày 6/11 với giá trúng cao gấp 200 lần giá khởi điểm đang là tâm điểm dư luận…

lum-xum-vu-dau-gia-3-mo-cat-xuyen-dem-tai-ha-noi-1-1699447373.jpg

Doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc với giá 408 tỷ đồng mới được “khai sinh” ngày 26/9/2023. Ảnh: Nguyễn Giang

Giật mình… số tiền trúng gấp 200 lần giá khởi điểm

Theo đó, ngày 5-6/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát là Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Tây Đằng – Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm).

Cụ thể, mỏ Châu Sơn với trữ lượng hơn 700.000m3, tiền đặt cọc hơn 400 triệu đồng, giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, được 29 tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá. Qua 89 vòng, Ban tổ chức mới xác định được nhà đầu tư giành quyền khai thác mỏ cát với giá hơn 396,865 tỷ đồng, gấp 137 lần mức khởi điểm.

Mỏ Liên Mạc trữ lượng gần 500.000m3 cát, tiền cọc trên 300 triệu đồng, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng được 28 tổ chức đủ điều kiện tham gia. Qua 53 vòng, một doanh nghiệp giành quyền khai thác với giá 408,290 tỷ đồng, gấp 200 lần giá khởi điểm.

Mỏ Tây Đằng – Minh Châu trữ lượng 4,9 triệu m3 cát, tiền cọc 2,8 tỷ đồng, giá khởi điểm hơn 19,29 tỷ đồng được 16 tổ chức tham gia đấu giá. Qua 21 vòng, Ban tổ chức xác định được nhà đầu tư giành quyền khai thác với giá trúng hơn 883,930 tỷ đồng, gấp 46 lần giá khởi điểm. Như vậy, tổng số tiền nhà đầu tư trúng đấu giá của ba mỏ cát gần 1.690 tỷ đồng.

Thông tin trao đổi với báo chí liên quan đến sự việc này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc thời gian kéo dài đấu giá xuyên đêm là quyền của khách hàng, bởi quy định của Luật Đấu giá là “đấu tới cùng”. Trước nhiều ý kiến cho rằng mức giá gần 1.700 tỉ là quá cao so với giá thị trường, lo ngại việc các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá sẽ “bỏ cọc”, vị này cho biết mọi tình huống đều có thể xảy ra, tuy nhiên đến nay “chưa có gì bất thường”.

lum-xum-vu-dau-gia-3-mo-cat-xuyen-dem-tai-ha-noi-2-1699447374.jpg

Theo ghi nhận, địa chỉ 94 Trần Đăng Ninh là nhà dân, cao 5 tầng, trước cửa không treo biển của Công ty TNHH Đầu tư TM Dịch vụ KSP. Ảnh: Nguyễn Giang

Lo ngại việc “giấu trữ lượng”?

Đáng chú ý, với thông tin mức giá được chốt cao như trên, phóng viên đặt câu hỏi liệu có tình trạng trữ lượng thực của các mỏ cát vừa trúng đấu giá nhiều hơn trữ lượng được công bố, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định việc xác định trữ lượng đã được thực hiện chính xác.

“Việc xác định trữ lượng, giá khởi điểm và các bước giá đã được thực hiện theo đúng quy định, có công thức hẳn hoi. Tất cả đều có công thức chứ không có ai dám tự đặt ra giá khởi điểm. Còn kết quả trữ lượng thì có cả một hội đồng đánh giá và trữ lượng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt” – vị này thông tin.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng thông tin thêm, trong khoảng 10 ngày tới, các tổ chức, cá nhân được xác định trúng đấu giá 3 mỏ cát sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trường hợp không hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá, mất số tiền đặt cọc (tổng số tiền đặt cọc đấu giá 3 mỏ là 3 tỉ đồng) và cấm 1 năm không được tham gia các phiên đấu giá.

Trả lời báo chí giữa lùm xùm dư luận về phiên đấu giá này, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn (Công ty Việt Sơn) – đơn vị trúng đấu giá mỏ cát xã Châu Sơn (Ba Vì) với giá 396,8 tỷ đồng, cao gấp 141 lần giá khởi điểm cho rằng, giá trúng trên là hợp lý theo thị trường. “Chúng tôi trải qua 89 vòng đấu, đến những vòng cuối cùng thì cũng có nhiều đơn vị tham gia, nhưng chúng tôi là đơn vị trả cao nhất nên trúng đấu giá. Theo chúng tôi, giá trúng này cũng theo thị trường, tuy con số trúng đấu giá vượt dự kiến nhưng chúng tôi thấy giá trúng này cũng hợp lý”, đại diện Công ty Việt Sơn chia sẻ.

Nói về việc đấu giá cao như vậy, doanh nghiệp khả năng cao sẽ bị thua lỗ, đại diện công ty cho rằng, nếu thấy lỗ thì chắc chắn đã không đấu. Bởi càng ngày nhu cầu sử dụng cát sẽ càng tăng, nên giá cát cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, đại diện đơn vị này cũng khẳng định sẽ quyết tâm làm dự án này.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Đầu tư TM Dịch vụ KSP – đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc với giá 408 tỷ đồng, cao gấp 200 lần giá khởi điểm cho biết, doanh nghiệp này đang thu xếp tài chính để nộp số tiền trúng đấu giá. Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Đầu tư TM Dịch vụ KSP có trụ sở tại số 94 Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông. Đáng chú ý, doanh nghiệp này mới “khai sinh” vào ngày 26/9/2023, tức là chưa đầy 2 tháng khi tham gia phiên đấu giá này. Theo ghi nhận, địa chỉ 94 Trần Đăng Ninh là nhà dân, cao 5 tầng, trước cửa không treo biển của Công ty TNHH Đầu tư TM Dịch vụ KSP.