Một mặt hàng của Việt Nam được Mỹ, EU và cả ASEAN ráo riết “săn lùng”, thu về hàng tỷ USD kể từ đầu năm

Thiên An

05/03/2024 13:21

Theo dõi trên

Mỹ đã chi hơn 113 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong tháng 1/2024, đạt hơn 139.000 tấn, tăng 419% về lượng và hơn 361% về trị giá so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 2/2024 (1-15/2), cả nước xuất khẩu 377.858 tấn sắt thép các loại, trị giá 270 triệu USD.

Kết quả nêu trên đưa tổng lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/2 đạt gần 1,54 triệu tấn, trị giá đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, lượng và trị giá sắt thép xuất khẩu lần lượt tăng 65% và 66,2%.

Giá thép xuất khẩu trung bình trong giai đoạn này đạt 713 USD/tấn, tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.

san-luong-xuat-khau-sat-thep-sang-my-pld-1709619581.jpeg
Trong tháng 1/2024, sản lượng xuất khẩu sắt thép sang Mỹ tăng hơn 400% so với cùng kỳ

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang 30 thị trường. Trong đó, Ý, Mỹ và Malaysia là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam dịp đầu năm nay với mức tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 1/2024 cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sắt thép sang Ý đạt 203.000 tấn, tăng 114%; xuất khẩu sắt thép sang Malaysia đạt 120.000 tấn, tăng 625%.

Với thị trường Mỹ, xuất khẩu sắt thép trong giai đoạn này của Việt Nam đạt hơn 139.000 tấn với trị giá hơn 113 triệu USD, lần lượt tăng 419% và hơn 361% so với cùng kỳ.

Trong tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam nói chung với tổng trị giá đạt 10,05 tỷ USD, tăng 64% (tương ứng tăng 3,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Trong đó, tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng có thể lên tới 8%.

VSA cho rằng thép xây dựng sẽ trở thành điểm sáng hồi phục của ngành thép trong bối cảnh 2 ngành chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng là xây dựng dân dụng (chiếm 66% nhu cầu thép xây dựng) và đầu tư công (chiếm 14%) đang ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Một mặt hàng của Việt Nam được Mỹ, EU và cả ASEAN ráo riết “săn lùng”, thu về hàng tỷ USD kể từ đầu năm" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com