Ngân hàng lại đồng loạt tăng lãi suất huy động, cao nhất lên tới 9,3%

Ngay sau động thái nâng một loạt lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 25/10, nhiều ngân hàng tiếp tục ra thông báo tăng lãi suất huy động với mức cao nhất hiện nay là 9,3%/năm.

nh1-1666968675.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Ngày 26/10, Ngân hàng SCB thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất tăng ở hầu hết các kỳ hạn.

Trong đó, với sản phẩm tiền gửi online, các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được SCB tăng từ mức 5%/năm lên kịch trần lãi suất mới nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất áp dụng trong khoảng 8,7% – 8,95%/năm. Kỳ hạn 12 và 13 tháng lãi suất lần lượt 9,15 và 9,25%/năm.

Đáng chú ý, các kỳ hạn 15 - 18 - 24 và 36 tháng đang được SCB chào lãi suất lên tới 9,3%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống tính đến nay. 

nh2-1666968675.png

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại SCB từ ngày 26/10/2022 lên tới 9,3% cho kỳ hạn 36 tháng.

Tương tự, ngày 26/10, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) cũng đã tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Đây là lần điều chỉnh thứ hai của Ngân hàng Bản Việt trong vòng 1 tháng trở lại đây. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn đồng loạt lên mức kịch trần 6%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 6,5-6,7%/năm lên 7,6-8,1%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, Bản Việt tăng lãi suất từ 7%/năm lên 8,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 8,9%/năm thuộc về các kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đến nay đã tăng lên đến 8,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng đã tăng lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn từ 1-5 tháng lên mức 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước đó. Tại kỳ hạn 6-7 tháng, mức lãi suất khách hàng được hưởng theo gói tiết kiệm An Phú cũng ở mức rất cao là 8%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đang niêm yết là 8,45%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 2 năm trở lên.

Đến ngày 27/10, các ngân hàng lớn cũng nhập cuộc tăng lãi suất huy động. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4,1%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãi suất ở mức 5,4%/năm, còn 6 tháng lãi suất lên 6,1%/năm. Từ 12 tháng trở lên lãi suất ở mức 7,4%/năm. 

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cũng tăng lên 4,9%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất tăng lên 5,4%/năm. Từ 6 - 11 tháng lãi suất 6%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất cán mức 7,4%/năm.

Trong khi đó, Agribank có mức lãi suất tương tự BIDV. 

Đến ngày 28/10, Vietcombank mới chính thức nhập cuộc đua khi tăng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 4,9%, cao hơn 0,8% mức giá biểu lãi suất trước. Ở kỳ hạn 3 tháng, Vietcombank tăng thêm 1% lên 5,4%; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng điều chỉnh tăng cao nhất so với các kỳ hạn khác, thêm 1,3% lên mức 6%; còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được tăng từ 6,4% lên 7,4%.

Ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành hiện tại, nâng thêm 1% và có hiệu lực từ 25/10. Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước trong vòng một tháng qua.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các mức lãi suất như sau: lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm lên 7,0%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng lãi suất không kỳ hạn lên 1%/năm; lãi suất dưới 6 tháng là 6%.

Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được cho là nhắm tới 2 mục tiêu: kiềm chế lạm phát và giảm áp lực đối với tỷ giá.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khả năng cao sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong quý IV/2022 hay những tháng đầu năm 2023. So với lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã vượt mức lãi suất trước COVID-19, lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn còn cách mốc trước dịch 100 điểm cơ bản. Thêm vào đó, FED cũng có kế hoạch cho các đợt nâng tiếp theo trong giai đoạn còn lại của năm 2022, vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành nội địa, theo Mirae Asset.

Tuy nhiên, mốc thời gian tăng sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến tỉ giá cũng như vấn đề thanh khoản của hệ thống. Trong 6 tháng của năm 2022, NIM trung bình của các Ngân hàng niêm yết tăng 15 điểm cơ bản dựa vào giảm tỉ trọng huy động từ tiền gửi. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo quan sát thì các Ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022, vì vậy, ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên NIM của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực.

Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất từ mức 7% lên mức 13% vào năm 2011, nợ xấu nội bảng đã có mức tăng đột biến (gần gấp đôi). Theo Mirae Asset, tuy không thể nói tăng lãi suất là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tăng nợ xấu, tuy nhiên, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn.