Theo đó, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết với tư cách là đơn vị cấp tín dụng và tài trợ lớn và Bamboo Airways, Sacombank rất quan tâm đến quá trình tái cấu trúc và kỳ vọng vào sự phát triển ổn định của hãng hàng không.
Sacombank đã có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways, tuy nhiên do là một định chế tài chính, cấp tín dụng nên việc đầu tư ngoài ngành cần tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật.
Ngân hàng này đang làm các bước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tham gia đầu tư vào Bamboo Airways, ông Tuệ cho biết.
Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB), Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết tính đến hết quý II năm nay, dư nợ tín dụng của Bamboo Airways tại Sacombank là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng tín dụng.
Mặc dù khoản vay này có tài sản bảo đảm và Bamboo Airways vẫn thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn nhưng vẫn có một số lo ngại về việc tính hoạt động liên tục của hãng hàng không trên.
Cụ thể, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ lũy kế khổng lồ là 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 so với khoản lỗ 2.300 tỷ đồng năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản cuối năm 2022 giảm mạnh 33% so với đầu năm xuống còn 18.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là âm 836 tỷ đồng mặc dù vốn góp là 18.500 tỷ đồng. Trong năm 2022, các khoản phải trả của Bamboo Airways lên tới 18.800 tỷ đồng, trong đó tổng nợ là 10.600 tỷ đồng.
Ngày 19/8, Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành liên quan hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways, theo đó Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp này thu xếp vốn bằng cách tạo điều kiện cho một ngân hàng phù hợp tham gia với tư cách cổ đông.
SSI Research đánh giá đây là trường hợp phức tạp và tiềm ẩn rủi ro tín dụng đối với Sacombank nếu Bamboo Airways thất bại trong việc tái cơ cấu.
Về dư nợ hiện tại của Sacombank, đơn vị phân tích cho biết nợ quá hạn tăng 41,6% so với quý trước đạt 13.500 tỷ đồng, trong đó nợ xấu và các khoản nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lần lượt tăng 54%, lên mức 8.200 tỷ đồng và 26% so với quý trước, lên mức 5.300 tỷ đồng.
SSI cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh là nguyên nhân khiến nợ xấu Sacombank gia tăng. Theo đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 0,65% - mức cao nhất trong 3 năm qua, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 77% trong quý II (so với 103,8% trong quý I).
Tổng dư nợ tái cơ cấu, theo Thông tư 02 (quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng) của Ngân hàng Nhà nước ở mức dưới 1.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng tín dụng của quý II. Nếu chất lượng tài sản tiếp tục xấu đi, SSI kỳ vọng số dư nợ tái cơ cấu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2023.
Vào tháng 8/2022, Bamboo Airways thông tin ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank "đã nhận lời mời trở thành cố vấn cao cấp hội đồng quản trị của hãng". Ngoài Sacombank, ông Dương Công Minh là doanh nhân lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi như Công ty Cổ phần Him Lam…