Ngăn ngừa tiêu cực trong đào tạo, cấp, đổi chứng chỉ thuyền viên

Bộ Giao thông vận tải nhận định, vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ, kẽ hở trong công tác quản lý và hoạt động đào tạo, huấn luyện chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

phuong-tien-thuy-phuc-vu-day-thuc-hanh-lai-va-van-hanh-may-3175-1683170182.jpg

Phương tiện thủy phục vụ huấn luyện, đào tạo chuyên môn thuyền viên, người lái.

Ngày 3/5, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phòng chống tiêu cực trong hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, công tác đào tạo, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đã từng bước được thể chế hóa chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn cũng như của ngành.

dao-tao-thuyen-vien-5502-1683170203.jpg

 

Tuy nhiên, qua phản ánh từ dư luận và một số thông tin nắm bắt ban đầu đối với Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ, kẽ hở trong công tác quản lý và hoạt động đào tạo, huấn luyện có thể dẫn tới sai sót, sai phạm.

“Theo dư luận phản ánh, tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải có hiện tượng học viên không cần dự học, chỉ đến trước một ngày để làm hồ sơ thi, kiểm tra. Trong giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, đơn giá thuê phương tiện phục vụ hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra thấp bất thường; cơ sở đào tạo không xây dựng, trình Sở Giao thông vận tải phê duyệt phương án bảo đảm an toàn giao thông trước mỗi đợt đào tạo thực hành; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ tài liệu trong hoạt động đào tạo và quản lý Nhà nước của Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố với hoạt động của phương tiện, vùng nước phục vụ đào tạo, huấn luyện chưa chặt chẽ,…”, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang nêu một số hiện tượng vi phạm.

Để kịp thời khắc phục các sơ hở, chấn chỉnh hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, sớm phòng ngừa, ngăn chặn các khả năng, nguy cơ phát sinh hành vi tiêu cực có thể xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thành phố tăng cường quản lý Nhà nước, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và hoạt động đào tạo, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với Trường Cao đẳng Giao thông vận tải và các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa khác trên địa bàn thành theo thẩm quyền.

“Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những sơ hở, vướng mắc về thế chế, quy định, cần kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; nếu có hành vi tiêu cực, vi phạm, cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý. Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở kiểm tra, xác minh, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không xây dựng, trình phê duyệt phương án bảo đảm an toàn giao thông (nếu có)”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị.

phuong-tien-thuy-5376-1683170222.jpg

 

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Trường Cao đẳng Giao thông vận tải thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu trong quá trình đào tạo, huấn luyện theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học, thi, kiểm tra hộ, học viên không dự học hoặc dự học không đầy đủ vẫn được thi, kiểm tra; bố trí phương tiện phục vụ hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra bảo đảm thời gian, thời lượng và các yêu cầu khác theo quy định; xây dựng, trình Sở Giao thông vận tải phê duyệt phương án bảo đảm an toàn giao thông trước mỗi đợt đào tạo thực hành theo quy định.