Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận việc xem xét kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) tới tháng 6/2024, sau khi Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Chính phủ đọc tờ trình.
Theo dự thảo nghị quyết Chính phủ trình, mức thuế này sẽ không áp dụng với các lĩnh vực, dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán..., và các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua 04 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10/2023), chính sách giảm thuế giá trị gia đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15.600 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.
Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Về đánh giá tác động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng.
Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, đa số ý kiến đồng tình kéo dài thực hiện chính sách này để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh khó khăn.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, trong khi kết quả kích cầu là không rõ nhưng việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế.
Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước.
Về nội dung của chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định: Giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tương tự nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25.000 tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.