Dự kiến đóng góp ngân sách lên tới 40.000 tỉ đồng/năm
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM mới đây đã trình lên UBND TP. HCM kết quả lập đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở huyện Cần Giờ, TP. HCM.
Theo đó, vị trí cảng được đề xuất là ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.
Về quy mô triển khai, tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan khoảng 2km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 teu)…Cảng này sẽ sử dụng điện, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Về phương án kết nối giao thông, từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cnày với huyện Nhà Bè. Cùng với đó là nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sau năm 2030, TP làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. TP sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Porcoast) - Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Cần Giờ cho biết, dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 5,45 tỷ USD (khoảng 128.000 tỉ đồng), do nhà đầu tư tự thu xếp thực hiện.
Trong đề án, Sở GTVT TP trình bày tính cần thiết của việc triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021 – 2030: “Siêu cảng” này sẽ tạo cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, dự kiến cảng sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng 34.000-40.000 tỉ đồng/năm. Nguồn đóng góp sẽ đến từ các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa,…
Đủ sức cạnh tranh với Singapore
Trước đó, tại hội thảo "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ", ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Portcoast đã chia sẻ các tiềm năng của dự án siêu cảng tại Cần Giờ, khẳng định trung tâm đủ năng lực cạnh tranh với các hub trung chuyển trong khu vực như Singapore hay Malaysia.
Theo đó, Cần Giờ có vị trí cận kề các khu vực yêu cầu vận tải biển như Thái Lan, Phnom Penh so với Singapore ước tính tiết kiệm cho các hãng tàu khoảng 1/4 chi phí nhiên liệu, tương đương với 13,2 triệu USD/năm nếu sử dụng Cần Giờ để trung chuyển thay cho cảng Singapore. Bên cạnh đó, các chi phí về bốc xếp, trung chuyển của khu vực Cần Giờ cũng rẻ hơn 50-60% so với Singapore.
Bối cảnh hiện tại, gần 60% khối lượng vận tải container toàn cầu qua biển Đông. Các cảng khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu teu vào 2025. Công suất các cảng trung chuyển quốc tế Đông Nam Á hiện đạt gần 53,6 triệu teu. Như vậy, các cảng mới sẽ còn cơ hội tiếp cận và khai thác 28,4 – 34,4 triệu teu hàng trung chuyển.
Đây là những lợi thế cạnh tranh rất lớn của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đáng chú ý, các tiềm năng của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế. Điển hình, thời gian qua, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đã thể hiện sự quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế tại đây.