Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó có 14 FTA đã có hiệu lực và có 3 FTA thế hệ mới. Trong 3 FTA thế hệ mới có EVFTA ký với EU là FTA mà ngành dệt may đánh giá rất cao và được trông đợi từ rất lâu. Đó là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tại hội thảo trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA trong bối cảnh COVID-19” do Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 16/7.
Ông Vũ Đức Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, nhờ FTA này ngành dệt may đã có bước đột phá. Hiệp định EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới tạo ra động lực cực kỳ hấp dẫn đối với ngành dệt may. Đó là:
Thứ nhất, tạo ra thị trường có tính rộng mở toàn diện, đặc biệt là tạo ra tính an toàn cho dệt may Việt Nam vào thị trường EU.
Thứ hai, chính EVFTA là động lực cho phát triển công nghệ, tự động hóa và quản trị số trong bối cảnh Việt Nam đã và đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường dệt may toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, nơi có ngành dệt may lâu đời.
Thứ ba, EVFTA tạo lực hút đầu tư của các nước trong khu vực kể cả châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Chính các dòng đầu tư này đã tạo ra giá trị gia tăng những sản phẩm dệt may vào thị trường EU và các nước trên thế giới nói chung.
Trong bối cảnh dịch bệnh, dệt may vẫn có bước tăng trưởng bứt phá. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, dệt may đã xuất khẩu được 18,79 tỷ USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4,23% so với cùng kỳ 2019. Tại thị trường EU khi chưa có EVFTA dệt may xuất khẩu vào EU chỉ đạt từ 700 - 800 triệu, nhưng nhờ EVFTA trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 1,21 tỷ USD, tăng 14,38% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu các sản phẩm may mặc đạt 14 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, xuất khẩu sơ sợi đạt 2,6 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm xuất khẩu sơ sợi sẽ đạt 3,8 - 3,9 USD, những thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước trong khối EU. Xuất khẩu mặt hàng vải đạt 1,1 tỷ USD, tăng 34,7%. Vải làm đường (vải địa) đạt 352 triệu USD, tăng 80%.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng hết quý III/2021 và nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cả năm. Thực tế này trái ngược với thời điểm năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các doanh nghiệp dệt may chỉ có đơn hàng theo tuần.
Theo Bộ Công Thương, sở dĩ có sự phục hồi này là do nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép...) tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi và dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%... Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt trên 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%, vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.
Ông Vũ Đức Giang nhận định, làn sóng COVID-19 thứ 4 ập đến đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, đà hồi phục của ngành dệt may sẽ không vì thế mà chững lại.
“Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đang có đơn hàng ổn định. Có những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Do đó, mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2021 hoàn toàn lạc quan”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may, VITAS đã kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị có những chính sách tạo điều kiện cho các nhà máy trong ngành này hoạt động bình thường để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong thời gian tới.