Kinh tế Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2021 có một số điểm sáng như: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2021 tăng khá so với tháng trước, bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2021 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
Tháng 11/2021, Việt Nam có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so với tháng 10/2021. Cũng trong tháng 11, Việt Nam có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so với tháng trước, song vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù có sự cải thiện đáng kể so với tháng 10/2021, song so với cùng kỳ năm 2020 vẫn giảm 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 47,4% về số vốn đăng ký và giảm 36% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng chỉ đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so với tháng trước và giảm 42,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,45 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 2,22 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,8 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 3,67 triệu tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,7% so với 11 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Chính sách để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau những tổn hại từ đại dịch cần được tính toán và ưu tiên hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. COVID-19 đã khiến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như: Y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị ngừng hoạt động”, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho biết.
Để phục hồi sản xuất, hiện các doanh nghiệp đều mong mỏi chờ đợi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn hiện tại 3 - 4%. Theo ông Mạc Quốc Anh, mức vay phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa dao động 6 - 8%/năm. Dòng tiền là "máu" của doanh nghiệp nên họ đều mong mỏi được vay với mức lãi suất rẻ để phục hồi hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tiếp tục khởi sắc khi thực hiện Nghị quyết số 128. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).
Đại diện Cục Công nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng (Bộ Công thương) cho biết: COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Vì vậy mới đây, các Hiệp hội ngành hàng xuất Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động duy trì và sớm triển khai bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh; các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID, tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.
Ngoài ra, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nội bộ doanh nghiệp (không phục vụ mục đích thương mại), tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chuyên gia thương mại cho rằng: Cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ (các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.