Nghiện game ở thanh thiếu niên: Đừng để nước đến chân mới nhảy

Các bác sĩ tâm lý chỉ ra các dấu hiệu để nhận biết trẻ nghiện game và giải thích các mối nguy nếu không có biện pháp phòng ngừa, dẫn đến trẻ phải được can thiệp để cai game.

Nói về đặc điểm tuổi teen và sự hấp dẫn của game với lứa tuổi này, tại Med Talks số 5 có tên “Vấn nạn nghiện game ở trẻ và giải pháp” tối 26/5, BS Đỗ Minh Trang - Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và trẻ vị thành niên – cho biết, thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất của game. Nguyên nhân là do đặc điểm não bộ của các em ở tuổi dậy thì. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở tuổi teen, vùng não thường phát triển sớm và hoàn thiện nhanh hơn so với vùng não kiểm soát. Vì vậy, lứa tuổi này có đặc trưng là nhạy cảm với phần thưởng, tiếp thu kiến thức tốt, xử lý thông tin nhanh; đồng thời tò mò, thích khám phá, trải nghiệm, tương tác, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Đây cũng là lứa tuổi các em thường gặp khủng hoảng về tâm sinh lý, thích thể hiện mình đã lớn. Trẻ có lượng hormon trong cơ thể cao hơn bao giờ hết, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi bạn bè. Thí dụ, thanh thiếu niên lái xe an toàn hơn khi đi một mình, trong khi đi cùng bạn thì dễ bốc đồng, mất kiểm soát hơn. Các em có xu hướng mở rộng mối quan hệ ngoài gia đình, muốn mình thuộc về nhóm hoặc cộng đồng nào đó; và việc chơi game là một trong những cách để các em “nhập bọn”. Chưa kể, việc nhập vai vào các nhân vật trong game cũng cho phép các em thể hiện, hoặc bù đắp những điều chưa hài lòng trong cuộc sống. Cũng phải nói thêm rằng, game và nhiều ứng dụng trên internet được xây dựng theo hướng “hack não”, gây nghiện cho người chơi – BS Minh Trang nhấn mạnh.

nghien-game-3-bac-si-1653880845.png
TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền (bìa phải hàng trên) và Ths.BS Đỗ Minh Trang (hàng dưới) trong Med Talks số 5, với sự điều phối của ThS. Bác sĩ nội trú Nhi khoa Nguyễn Thị Ngọc Nga - Trường Đại học Y Hà Nội (bìa trái hàng trên)

Trong khi đó, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Phòng Khám, Tư vấn và Điều trị ngoại trú, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, theo hướng dẫn phân loại các rối loạn tâm thần tại Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản, trẻ được coi là mắc chứng nghiện game khi có ít nhất 5 trong những dấu hiệu sau đây kéo dài trong hơn 1 năm:

• Thường xuyên nghĩ về chơi game hoặc phần lớn thời gian bệnh nhân nghĩ về nó.

• Cảm thấy thật sự là tồi tệ khi không thể chơi game.

• Cần phải tăng dần thời gian, ngày càng nhiều để chơi game và để mang lại cảm giác thoải mái cho mình.

• Không thể ngừng chơi game hoặc không thể chơi ít hơn.

• Không muốn làm những việc gì khác mà trước đây từng thích.

• Có những vấn đề rắc rối tại trường học, công việc hoặc ở nhà do ảnh hưởng của việc chơi game.

• Vẫn cứ tiếp tục chơi game mặc dù biết hậu quả của nó.

• Nói dối người thân về tổng thời gian chơi game của mình.

• Lao vào chơi game để tránh đối diện với những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, lo lắng, căng thẳng.

BS Bích Huyền và BS Minh Trang cùng chỉ ra hậu quả tai hại của việc nghiện game đối với mọi mặt đời sống của mỗi cá nhân. Cụ thể, về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần, nghiện game gây ra trầm cảm, lo âu, mất ngủ, suy kiệt, tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn hành vi chống đối tăng cao; cũng như hội chứng đường hầm cổ tay, đau nửa đầu, các tật về khúc xạ mắt, mệt mỏi, nghiện các chất kích thích (rượu, thuốc kích thích tâm thần, thuốc lá…). Bên cạnh đó, nhân sinh quan của người nghiện game cũng bị lệch lạc - game càng có nhiều yếu tố bạo lực và tình dục càng dễ gây nghiện và chơi game bạo lực càng nhiều thì mức độ gây hấn ở người chơi càng tăng lên. Ngoài ra, năng lực thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội kém vì người nghiện chỉ tập trung sự chú ý vào game. Nghiện game còn khiến bệnh nhân lơ là công việc và học hành. Khi chơi game, cảm xúc được thỏa mãn nhưng người chơi đánh mất cơ hội phát triển các năng lực thực tế, tạo ra vòng luẩn quẩn tìm đến game để giải tỏa để rồi lại càng nghiện game. Cuối cùng, game không chỉ đốt thời gian mà còn đốt tiền của người chơi, chẳng hạn bỏ tiền thật ra mua các vật phẩm ảo đắt đỏ để chóng được thăng hạng.

Theo BS Bích Huyền, nguy cơ nghiệm game có thể đến từ ảnh hưởng của gen di truyền; các yếu tố của môi trường sống như trong gia đình có người chơi và nghiện game; cha mẹ hoặc người lớn cho phép trẻ chơi game/ sử dụng máy tính hoặc các thiết bị di động để điều chỉnh cảm xúc (cho trẻ ăn, dỗ trẻ); cha mẹ bỏ bê khiến trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu tự tin, bị bỏ rơi…

Cả hai nữ bác sĩ đều cho rằng nên chú trọng các biện pháp phòng chứng nghiện game ở trẻ bởi việc điều trị khó khăn và vất vả không kém gì điều trị nghiện ma túy. Các lời khuyên được hai bác sĩ đưa ra bao gồm: kiểm soát thời gian sử dụng máy tính và thiết bị di động thông minh của trẻ bằng cách đặt ra những quy định rõ ràng; và cần có phần mềm sàng lọc, kiểm soát những trò chơi có tính chất gây nghiện. Quan trọng không kém là, cha mẹ nên thiết kế nhiều hoạt động thay thế và hoạt động ngoài trời cho con (đọc sách, đạp xe, đi bộ, bơi lội, đá bóng, đánh cầu,…) và tham gia cùng con trong các hoạt động này; chia sẻ tâm sự với con để tránh trạng thái con tự cô lập, nhốt mình trong phòng; lắng nghe và gần gũi con để kịp thời phát hiện những bất thường. Khi trẻ bị nghiện game, nếu gia đình không thể thực hiện cai nghiện cho con thì cần tìm đến sự can thiệp của bác sĩ có chuyên môn. Các bác sĩ có thể sử dụng Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) để điều trị chứng nghiện game một cách hiệu quả.

Med Talks là chuỗi sự kiện xoay quanh chủ đề y khoa, dược, tâm lý do mạng lưới tri thức số MetaMinds tổ chức khoảng hai tuần một lần, với sự đồng hành của thương hiệu xuất bản sách y học MedInsights và công ty công nghệ eDoctor.

Đọc thêm:

* Med Talks số 1: Chú trọng dinh dưỡng và lối sống để vượt qua hậu Covid

* Med Talks số 2: Rối loạn tâm thần ở trẻ: Nguyên nhân và giải pháp phòng chống

* Med Talks số 3: Hóa giải những tin đồn thường gặp về ung thư

* Med Talks số 4: Làm thế nào để tầm soát ung thư hiệu quả