Minh Nhật, 32 tuổi, là kiến trúc sư đang làm việc tại TP.HCM. Anh vừa dọn về căn hộ của mình tại Dĩ An, Bình Dương cách đây một tháng. Mỗi ngày phải di chuyển gần 40km từ nhà đến nơi làm việc, nhưng Nhật vẫn cho đây là một lựa chọn đúng đắn.
Cách đây hai năm, Nhật xuống tiền mua căn hộ 1,2 tỉ đồng tại Dĩ An theo hình thức trả góp. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 35 triệu đồng, Nhật nhẩm tính sau khi trả góp cố định mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng, anh vẫn đủ chi phí để trang trải cuộc sống và lo cho cô con gái nhỏ đang học mẫu giáo.
“Rất may mình quyết định mua nhà từ hai năm trước. Nếu lúc đó sợ xa không mua, thì bây giờ chưa chắc đã có cơ hội mua tốt hơn vì giá nhà ngày càng cao, tiếp cận vốn vay cũng không dễ”, Nhật chia sẻ.
Thanh Lan, 35 tuổi, là nhân viên một công ty truyền thông tại quận 7. TP.HCM. Chị cũng vừa xuống tiền mua căn hộ chung cư tại một dự án ở quận Thủ Đức cũ. Căn hộ chị mua nằm ở tầng 13, view sang khối nhà đối diện thay vì công viên nội khu hay hồ bơi. Nhờ vậy, giá căn hộ cũng rẻ hơn các căn view đẹp cùng diện tích.
“Nếu so sánh với các căn khác cùng diện tích, căn của mình rẻ hơn khoảng 150 triệu đồng. Mình lại không quan tâm lắm đến việc căn hộ nằm ở tầng mấy, miễn là phù hợp túi tiền và an toàn pháp lý là hai tiêu chí được ưu tiên. Số tiền dư ra mình dùng để làm nội thất cơ bản trong nhà là có thể dọn về sống”, chị Lan cho biết.
Lựa chọn linh động như Minh Nhật và Thanh Lan khá dễ hiểu trong bối cảnh giá nhà đang tăng quá nhanh, vượt quá tầm với của nhiều người.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do thiếu cung trong lúc nhu cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập).
Trong báo cáo thị trường bất động sản do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, nguồn cung căn hộ trên thị trường sơ cấp TP.HCM đạt 13.460 căn, tăng 233% theo quý và 265% theo năm. Đây là lượng tăng nhiều nhất kể từ năm 2019.Trong khi các dự án hiện hữu không tăng giá, các giai đoạn tiếp theo của các dự án tăng cao nhất đến 11% theo quý.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho biết, với nguồn cung hạn chế, nhu cầu mua nhà tại TP.HCM có sự dịch chuyển sang các tỉnh lân cận như Bình Dương. Cơ sở hạ tầng và việc mở bán các dự án lớn sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển này.
Báo cáo trước đó của CBRE Việt Nam cũng ghi nhận, sự nâng cấp giá của các dự án tại khu vực vùng ven thời gian gần đây không chỉ làm góp phần thay đổi cơ cấu phân khúc sản phẩm trong nguồn cung mới mà còn thúc đẩy tăng trưởng giá sơ cấp. Giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.455 USD/m2, tăng 2,7% theo quý và 8,6% theo năm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong giai đoạn đầu năm, thị trường đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt bao gồm vấn đề cấp phép, các thay đổi trong quy định pháp luật và chính sách thắt chặt tín dụng, chi phí tăng và việc mất cân đối cung cầu. Những thách thức này sẽ buộc cả chủ đầu tư và người mua phải theo dõi chặt chẽ các chuyển động của kinh tế vĩ mô và tự hoạch định giải pháp tối ưu cho mình.